Người gửi: Ngô Mãn Đinh
Khi mới ra nước ngoài tôi cũng ngỡ ngàng lắm. Áp lực lớn nhất mà tôi phải chịu là làm sao tốt nghiệp cho thật nhanh để đỡ tốn tiền ăn học, và mau đi làm.
Tôi là một người có sức học trung bình. Anh văn còn kém, thế mà tôi dại dột đi đăng ký học 7 môn (ngành của tôi trung bình người ta học 5 môn). Vào lớp tôi không nghe kịp, không hiểu kịp giáo sư nói gì nên ngoài giờ phải kiếm sách đọc lại bài vừa được giảng trong lớp.
Không đủ thì giờ làm bài, học bài, ăn uống nghỉ ngơi, cộng thêm nỗi buồn và cô đơn, tôi kiệt sức nhanh chóng về cả thể xác lẫn tâm thần. Cuối cùng khoá học đó tôi cũng đâu có xong 7 môn, may mắn lắm mới đậu được 3 môn. Giá như tôi nghe theo lời khuyên dành thêm 1 năm nữa để học thêm Anh văn, và đăng ký học từ từ theo trình độ của mình. Nếu như thế chắc chắn bây giờ tôi sẽ được đứng vững hơn, và có nhiều kỷ niệm đẹp hơn về cuộc đời sinh viên của mình.
Đã hơn 5 năm kể từ khi ra trường mà tôi vẫn cứ nằm mơ thấy mình bị thi rớt, không nộp đủ bài nên không được thi, không được tốt nghiệp...
Sau những năm tháng "phong ba" đời sinh viên, tôi nghiệm ra một điều rằng, trường đại học không chỉ là nơi để hấp thu kiến thức, mà còn là nơi ghi nhận tất cả những cố gắng (và thiếu cố gắng) trong suốt thuở hàn vi của bạn. Chỉ cần rớt một môn, hay ít điểm một môn cũng có thể ảnh hưởng lớn đến ngành nghề và sự nghiệp lâu dài của bạn.
Đi học ở nước ngoài rất tốn kém, và không dễ chút nào. Gia đình khá giả chưa chắc bảo đảm được rằng bạn sẽ học hành thoải mái. Không phải có tiền cứ học riết rồi cũng đậu, vì rớt hai lần là trường không cho học nữa. Mà bị một trường đuổi rồi thì rất khó xin vào trường khác.
Thành công trong con đường học vấn phụ thuộc vào rất nhiều lý do. Nếu bạn thật sự ham thích và có khả năng thì bạn là người may mắn, và nên nắm lấy cơ hội ngay. Nhưng nếu bạn còn lưỡng lự thì nên dành thời gian chuẩn bị thêm.