Danson Cheong, phóng viên báo Straits Times của Singapore tại Trung Quốc, ngày 24/8 cho biết đã chi 53 tệ (7,73 USD) mua giày mới vì đế giày đôi anh đang đi biến dạng do thời tiết quá nóng.
Trùng Khánh, thành phố trực thuộc trung ương ở tây nam Trung Quốc, đang là thành phố nóng nhất đất nước với nhiệt độ ban ngày lên tới hơn 40 độ C. Trong những con hẻm nhiều tuần nay, chỗ nào cũng nghe thấy tiếng ồn của cục nóng điều hòa.
Trước cửa hàng của Wen có 35 cục nóng nằm ở một bên đường, gây tiếng ồn lớn khi hoạt động. Người phụ nữ 48 tuổi bán khoai chiên ở ngoại ô phía tây thành phố cho hay doanh thu giảm một nửa do nắng nóng kéo dài sang tháng thứ ba.
"Trời nóng quá, ai cũng muốn bật điều hòa. Mọi người ở hết trong nhà, không dám ra đường", bà nói.
Người Trung Quốc thường ví Trùng Khánh với lò lửa. Siêu đô thị lớn với 32 triệu dân ở phía tây nam đất nước nổi tiếng vì mùa hè oi bức. Nhưng năm nay, thời tiết cực đoan hơn.
Nhiệt độ nhiều vùng trong thành phố lên tới 45 độ C vào ngày 18/8, mức cao nhất từng ghi nhận. Ngày 24/8, một nửa trong số 10 địa phương ghi nhận nhiệt độ cao nhất Trung Quốc là các khu vực thuộc Trùng Khánh, phần còn lại ở tỉnh Tứ Xuyên. Nhiều người dân ngồi nghỉ la liệt ở các siêu thị, trung tâm thương mại và ga tàu điện ngầm để tránh nóng.
Điều hòa không khí chiếm hơn một nửa nhu cầu tiêu thụ điện, cao hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái, theo công ty điện lực của thành phố. Nhu cầu điện dân dụng tăng đột biến nhưng hạn hán làm khô hạn nhiều nhánh sông Trường Giang, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất thủy điện ở khu vực mà nguồn năng lượng này chiếm hơn 80% sản lượng điện.
Giới chức Trùng Khánh kêu gọi doanh nghiệp "dành điện cho người dân", thực hiện cắt điện luân phiên với các nhà máy và doanh nghiệp để đảm bảo điện cho khu vực dân cư. Nhà máy phải đóng cửa, trung tâm thương mại chỉ được phép mở cửa trong 5 tiếng, bắt đầu từ 16h. Đèn đường cũng bị tắt bớt để giảm tiêu thụ điện năng.
Ngày 25/8, giới chức yêu cầu hơn 10 triệu người ở các quận trung tâm xét nghiệm Covid-19 bắt buộc, khi nhiệt độ lên hơn 40 độ C. Hơn 3.800 trạm xét nghiệm được thiết lập. Hình ảnh trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy người dân xếp hàng dài ngoài trời, một số người ngất xỉu vì nắng nóng gay gắt.
"Trời 43 độ C, người dân bị đẩy đến giới hạn", một người viết trên mạng xã hội Weibo.
Thời tiết nắng nóng kéo dài và cắt điện luân phiên cho thấy tác động của biến đổi khí hậu và nguy cơ thời tiết ngày càng cực đoan.
"Tôi không được học hành nhiều nhưng tôi cho rằng vấn đề này do biến đổi khí hậu. Thời tiết đang ngày càng khắc nghiệt, mỗi năm lại nóng hơn", Hou Liqiao, tài xế taxi 32 tuổi, bày tỏ.
Hou cho biết năm nay là mùa hè nóng nhất ở Trùng Khánh trong 16 năm anh sinh sống tại đây. "Sông Gia Lăng cạn nước", Hou nhắc tới một nhánh sông Trường Giang chảy qua thành phố. "Trên núi thì cháy rừng. Thời tiết quá khắc nghiệt".
Các nhà khí tượng học Trung Quốc nhận định biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan năm nay, cảnh báo những đợt nắng nóng tương tự có thể xuất hiện thường xuyên hơn.
Các chuyên gia cũng lưu ý cuộc khủng hoảng điện cho thấy biến đổi khí hậu dẫn tới hậu quả là thời tiết khắc nghiệt đã đẩy mạnh nhu cầu sử dụng điện để làm mát hoặc sưởi ấm như thế nào.
"Chúng ta cần dự đoán được mức cao nhất về nhu cầu sưởi ấm hoặc làm mát cho khu vực dân cư lớn. Đây là thách thức nổi trội và càng phức tạp trong thời điểm chúng ta cần hạn chế sử dụng than", Li Shou, cố vấn chính sách cấp cao của tổ chức Hòa Bình Xanh Đông Á, nói.
Ông cho hay đợt "khát điện" tương tự từng xảy ra hai năm trước ở Hồ Nam, nơi một đợt lạnh gây cản trở sản xuất thủy điện, năng lượng gió và mặt trời. Nhu cầu điện sưởi ấm cho khu dân cư tăng lên, buộc chính quyền phải cắt điện dành cho công nghiệp và thương mại.
Hai năm sau, Hồ Nam là tỉnh đi đầu trong phê duyệt dự án nhiệt điện, Li nói. Theo nghiên cứu công bố hồi tháng 7 của tổ chức, tỉnh đã phê duyệt 5,32 gigawatt nhiệt điện từ năm 2021 tới quý một năm nay.
Rủi ro là cuộc khủng hoảng năm nay có thể khiến các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc tiếp tục quay lại với nhiên liệu hóa thạch.
"Nếu đi theo con đường đó thì tầm nhìn rất thiển cận", Li nói. "Chúng ta không biến khủng hoảng thành cơ hội mà ngược lại, tự giam mình vào hệ thống năng lượng phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch. Điều đó chỉ khiến tác động tới khí hậu trong tương lai thêm nghiêm trọng".
Hồng Hạnh (Theo Straits Times, CNN)