Kacper Wierzchos cùng đồng nghiệp quan sát thiên thể 2020 CD3 bay quanh Trái Đất. Video: Kacper Wierzchos.
Kacper Wierzchos, chuyên gia cấp cao thuộc dự án Khảo sát Bầu trời Catalina (do NASA và Đại học Arizona cấp vốn), thông báo phát hiện một thiên thể tạm thời quay quanh Trái Đất hôm 25/2. Thiên thể này được đặt tên là 2020 CD3, có độ sáng bề mặt điển hình của các tiểu hành tinh giàu carbon.
Trên quỹ đạo Trái Đất đang có khoảng 5.000 vệ tinh, nửa triệu mảnh rác nhân tạo và một vệ tinh tự nhiên ổn định là Mặt Trăng. Wierzchos cùng các nhà thiên văn tại Đài quan sát Steward thuộc Đại học Arizona cho rằng 2020 CD3 có thể là một vệ tinh tự nhiên khác tạm thời quay quanh hành tinh xanh.
2020 CD3 là mặt trăng mini, loại thiên thể bị mắc kẹt trên quỹ đạo Trái Đất vài tháng hoặc vài năm, sau đó thoát đi hoặc lao xuống khí quyển bốc cháy. Các nhà thiên văn nghi ngờ luôn có ít nhất một mặt trăng mini quay quanh Trái Đất, nhưng hiếm khi phát hiện ra chúng, có thể vì kích thước tương đối nhỏ. Đến nay, chỉ có một mặt trăng mini được xác nhận chính thức là 2006 RH120. Đây là tiểu hành tinh rộng 0,9 m, quay quanh Trái Đất trong 18 tháng, từ năm 2006-2007.
Theo mô hình quỹ đạo của nhà vật lý thiên văn Tony Dunn, giáo viên vật lý tại trường trung học San Francisco, 2020 CD3 có thể đã bị lực hấp dẫn của Trái Đất kéo lại khoảng ba năm trước và sẽ thoát ra vào tháng 4 năm nay, tiếp tục hành trình bình thường quanh Mặt Trời. Mặt trăng mini có thể bay đi rồi lại bị lực hấp dẫn của Mặt Trăng kéo lại, trở thành loại thiên thể hiếm hơn, mặt trăng của mặt trăng. Tuy nhiên, loại thiên thể này mới chỉ tồn tại trên lý thuyết.
Dù một số đài quan sát khác đã xác nhận sự tồn tại của 2020 CD3, giới chuyên gia vẫn cần nghiên cứu thêm để chắc chắn rằng nó là thiên thạch ngoài hành tinh chứ không phải một mảnh rác vũ trụ lớn. Họ hy vọng sẽ tìm ra câu trả lời trước tháng 4.
Thu Thảo (Theo Live Science)