Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chiều 10/2 cho biết Vật lý, Tin học là hai môn được học sinh lớp 10 chọn nhiều nhất với tỷ lệ lần lượt là 68,2 và 62,8%.
Ba môn khác cũng được hơn một nửa học sinh chọn gồm Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Hóa học, dao động 52-56%. Âm nhạc và Mỹ thuật có tỷ lệ lần lượt 4,2 và 1,8%, bởi hầu hết trường THPT công lập tại Hà Nội chưa có giáo viên dạy hai môn này.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đánh giá tỷ lệ học sinh lớp 10 chọn học Vật lý tương đồng với tỷ lệ học sinh lớp 12 chọn thi môn này trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 - 66,6%.
Với cụm chuyên đề học tập, 86,9% chọn Toán, tương đương 85.270 học sinh. Tỷ lệ với Ngữ văn và Lịch sử lần lượt là 60,4 và 24%. Vật lý và Hóa học có tỷ lệ chọn 41,6 và 32,6%, Địa lý 27%, còn lại đều dưới 10%.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết theo tỷ lệ hiện tại, việc điều phối, sắp xếp giáo viên chưa bị ảnh hưởng nhiều. Nhưng trong hai năm tới khi chương trình lần lượt áp dụng với lớp 11 và 12, "chuyện thừa, thiếu giáo viên sẽ xảy ra cục bộ".
Vị này nhận định những em có học lực từ khá trở xuống, nếu không định hướng theo khoa học tự nhiên, thường đăng ký những môn như Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ, Âm nhạc và Mỹ thuật. "Điều này có thể khiến những môn tự nhiên bị thừa giáo viên. Điều phối và sắp xếp giáo viên sẽ là bài toán khó với Sở, ngay cả khi đã trao quyền tự chủ cho các trường", vị này nói.
Năm nay, Hà Nội có hơn 98.100 học sinh lớp 10, là lứa học sinh đầu tiên ở bậc THPT học chương trình giáo dục phổ thông mới (ban hành năm 2018, bắt đầu áp dụng từ năm 2020).
Theo chương trình, đây là giai đoạn định hướng nghề nghiệp. Học sinh phải học tám môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.
Ngoài ra, học sinh được chọn bốn trong 9 môn lựa chọn, gồm Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Theo lý thuyết, có 84 cách chọn. Nhưng thực tế, các trường xây dựng những tổ hợp mà mình có thể triển khai, căn cứ vào cơ sở vật chất, giáo viên từng môn, rồi đưa học sinh chọn lựa.

Học sinh Hà Nội kiểm tra lại thông tin dự thi vào lớp 10 THPT, tháng 6/2022. Ảnh: Giang Huy
Sau khi kết thúc học kỳ I, năm học 2022-2023, một số học sinh muốn đổi tổ hợp môn, đồng nghĩa chuyển lớp hoặc chuyển trường. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết chương trình đã quy định tổng số tiết theo một năm, nên không khuyến khích học sinh chuyển tổ hợp hay chuyển trường trong học kỳ I.
Đầu năm nay, Bộ ban hành hướng dẫn đổi môn học lựa chọn. Theo đó, hiệu trưởng được quyết định việc cho học sinh chuyển tổ hợp vào cuối năm học. Nhà trường phải có giải pháp hỗ trợ, kiểm tra, đánh giá kiến thức, kỹ năng của học sinh theo nội dung, yêu cầu cần đạt để các em có đủ năng lực học tiếp môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới.
Thanh Hằng