Bài viết của chuyên gia thương mại điện tử Tiểu Bạch.
Ngày 5/2, tại ngã ba đường sắt Hồ Bắc - Hồ Nam, cảnh sát phát hiện hai người đàn ông đi bộ men theo đường sắt, mang theo những chiếc túi lớn. Họ khai, đã đi bộ suốt bảy tiếng từ Hồ Bắc, dự định đến Hồ Nam để bắt xe đi Thâm Quyến tìm việc làm. Điều đáng nói là họ đi ngược đường. Khi cảnh sát thông báo, cả hai người đều ngồi thụp xuống ôm mặt khóc nức nở. Do không biết đường nên họ đi bừa, đến khi phát hiện thì đã đi quá xa.
Trước đó, một người đàn ông cũng ở Hồ Bắc vượt sông Dương Tử bằng chiếc thuyền tự chế. Người này không nhiễm bệnh, cũng không chạy trốn khỏi ổ dịch, ông chỉ muốn đến thành phố Cửu Giang, tỉnh Giang Tây để làm việc.
Gần đây xuất hiện khá nhiều trường hợp kiểu này ở Hồ Bắc và những người đàn ông trên bị dư luận buộc tội tạo ra sự hỗn loạn cho đất nước khi tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Thế nhưng vẫn có người bày tỏ sự đồng cảm với họ. "Nếu không bị buộc phải kiếm sống, ai muốn mạo hiểm đi ra ngoài trong thời điểm này?", "Nếu được lựa chọn, chẳng ai sẵn sàng đi bộ trong 7 giờ hay mạo hiểm mạng sống để vượt sông đến nơi làm việc, tất cả vì mưu sinh mà thôi"...
Tuần trước, người dân tại nhiều thành phố ở Trung Quốc bắt đầu đi làm trở lại. Để tránh dịch lây lan, có người bước ra khỏi nhà với bộ bảo hộ tự chế từ can nhựa, áo mưa... Thậm chí ở một số văn phòng, người ta còn trùm nilong kín mít trong giờ làm việc để phòng bệnh.
Thoạt nhìn những hình ảnh đó nhiều người thấy buồn cười, nhưng sau đó chỉ đọng lại nỗi buồn. Một số người nói rằng, sợ hãi như vậy tốt nhất nên ở nhà bởi công việc đâu có quan trọng bằng tính mạng. Thế nhưng bạn không phải là họ, bạn không hiểu được áp lực mà những người đó đang phải chịu. Khi có một khoản vay phải trả, một gia đình cần nhiều chi phí, bắt buộc họ phải ra ngoài.
Nhà xã hội học Phí Chính Thanh từng nói: "Đại đa số mọi người sống là để mưu sinh. Rất ít người sinh ra để trở thành tỷ phú như Jack Ma".
Tôi có một người bạn chủ một nhà hàng họ Lý, năm ngoái anh sinh đứa con thứ hai. Hàng năm sau Tết nguyên đán, cửa hàng của anh nườm nượp khách ra vào. Năm nay ngay từ tháng 12, Lý đã tích trữ rất nhiều hàng hóa để chờ bùng nổ sau Tết, thế nhưng do dịch bệnh, anh buộc phải đóng cửa hàng.
Nhưng theo thời gian, anh không thể ngồi yên bởi gia đình không có thu nhập, chi phí thuê cửa hàng, hàng hóa nhập trước đó trở thành nỗi lo thường trực.
Tuần trước, Lý quyết định quay lại công việc. Bởi cửa hàng không được phép mở bán nên anh bắt đầu nhận đơn hàng đặt trên Wechat. Lý tự nấu nướng và ship đến những khách hàng có yêu cầu.
Mọi người trong gia đình khuyên đừng mạo hiểm ra ngoài ship đồ, anh nói: "Tôi cũng sợ dịch bệnh lắm chớ, thế nhưng cứ tiếp tục không làm gì, vợ con sống ra sao".
"Không có thu nhập, tôi sẽ không bị dịch bệnh giết chết nhưng sẽ bị cuộc sống đè chết", Lý tâm sự.
Câu chuyện của Lý khiến tôi nhận ra một trong những đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất đợt dịch này chính là người như anh. Nhiều người có thể nói chuyện với họ về kiểm dịch và phòng chống bệnh, nhưng không thể giúp họ trả tiền thuê nhà và lo ăn ba bữa mỗi ngày.
Một gia đình người bạn khác của tôi đang sống ở thành phố Thâm Quyến vẫn phải ra đường hàng ngày để lái taxi. Anh nói rằng áp lực cuộc sống lớn hơn nhiều nỗi lo về Covid-19. Mọi chi phí trong dịch bệnh đều quá đắt đỏ và anh buộc phải ra ngoài, ít nhất kiếm đủ tiền thuê nhà.
"Không phải ai cũng có thể làm việc tại nhà. Nhiều người như tôi vẫn phải ra ngoài kiếm tiền để được sống tiếp", anh nói.
Nhiều người luôn có thói quen đánh giá người khác dựa trên quan điểm của mình.
Ít ai hiểu sự sung túc của bản thân chính là hạn chế khi đánh giá và bình phẩm về người khác, đặc biệt những người kém mình về kinh tế. Tối đến nằm nhà chơi điện thoại, bạn sẽ chẳng hiểu nổi ai đó phải ra đường cùng thời điểm chỉ để bán bóng bay. Khi được tận hưởng sự thoải mái ở nhà, bạn cũng sẽ không hiểu nổi tâm tư của người đang lo lắng vì không được đi làm do công ty tiếp tục đóng cửa.
Thế giới này không có đồng cảm thực sự. Nếu chiếc kim không châm vào người, bạn sẽ không cảm nhận được nỗi đau như thế nào. Bởi vậy, khi bạn không hiểu được áp lực cũng như sự bất lực trong cuộc sống của người khác, xin đừng chỉ trích bừa bãi.
Trong tác phẩm Gatsby vĩ đại, nhà văn F. Scott Fitzgerald từng viết: "Khi nào bạn muốn chỉ trích người khác, hãy nhớ rằng không phải tất cả mọi người trên thế giới này đều có những lợi thế mà bạn có."
Bạn không hiểu tại sao người khác quan tâm đến tiền lương hàng tháng giống như Jack Ma không hiểu vì sao bạn phải suy đi tính lại khi mua một chiếc túi hàng hiệu.
Vì vậy đừng phán xét và đổ lỗi cho người khác khi họ bỏ ngoài tai dịch bệnh để làm việc, bởi cuộc sống của họ không giống bạn.
Hải Hiền (Theo sohu)