Vật liệu biến hình do Đại học Hebrew ở Jerusalem phát triển sử dụng bột gỗ và các thành phần tự nhiên khác như nước, cellulose và tinh thể nano xyloglucan - chất kết dính tự nhiên chiết xuất từ thực vật - làm hồ bột đóng vai trò như mực in 3D.
Khi chất lỏng trong mực bay hơi, vật liệu sẽ khô đi và thay đổi hình dạng. Bằng cách in 3D theo một mẫu nhất định, đồng thời kiểm soát số lớp và tốc độ in, nhóm nghiên cứu có thể "lập trình" gỗ cong như ý muốn.
"Nếu chúng ta in với tốc độ dòng chảy nhanh chậm khác nhau, hoặc thực hiện các kiểu in khác nhau, thì kết quả cuối cùng sẽ không giống nhau", nghiên cứu sinh tiến sĩ Doron Kam tại Đại học Hebrew cho biết. "Chúng tôi có thể kiểm soát tốt cả khía cạnh lý thuyết của mô hình và khía cạnh thực tế của mực in, thứ có thể thay đổi và uốn cong theo thời gian, sau đó tạo ra độ cong khác nhau trên các vật thể khác nhau".
Sản phẩm cuối cùng được thiết kế để có thể tái chế bền vững và "bắt chước tự nhiên", các đặc tính mà nhóm nghiên cứu nhấn mạnh là cần thiết trong một thế giới ngày càng chịu nhiều áp lực từ những vật liệu lâu năm như nhựa.
"Điều quan trọng nhất của vật liệu là tính bền vững. Chúng tôi không có bất kỳ nhựa nhân tạo nào chứa formaldehyde, không sử dụng vật liệu tổng hợp và mọi thứ đều dựa trên gỗ. Nếu bạn có một chiếc ghế bị hỏng, chúng tôi có thể nghiền nó và sau đó in một chiếc ghế mới, lặp đi lặp lại", Kam nói thêm.
Đến nay, nhóm nghiên cứu đã in các mô hình 3D có hình dạng yên ngựa, mái vòm và hình xoắn ốc, nhưng với sự phát triển hơn nữa trong tương lai, họ hy vọng kỹ thuật này có thể được sử dụng để tạo ra các vật dụng phức tạp hơn như đồ nội thất gia đình.
Đoàn Dương (Theo Reuters/3D Printing Center)