"Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra, không rõ là bản thân phóng nhanh hoặc ngủ gật. Tôi chỉ biết ôtô của tôi tông vào một chiếc xe khác. May mắn không ai bị thương nặng. Đầu tôi đập vào vô lăng và người tài xế kia không bị thương nhưng hốt hoảng", bác sĩ gặp nạn kể lại. Sự việc khiến anh luôn lo sợ gặp tai nạn giao thông sau những ca trực nhiều giờ liền.

Các y bác sĩ đang chăm sóc cho một bệnh nhân ở bệnh viện Regency. Ảnh: regencyspecialist.
Đây chỉ là một trong số nhiều bác sĩ đang phải làm việc đến kiệt sức tại các bệnh viện công ở Malaysia. Một số trường hợp đã phải trả giá bằng mạng sống. Các hiệp hội y khoa nhiều lần kêu gọi thay đổi chính sách về giờ làm việc, tăng cường nhân sự cho các bệnh viện đang bị quá tải, nhưng chính phủ vẫn chưa có động thái cụ thể.
"Một ca trực của bác sĩ ở các bệnh viện công kéo dài ít nhất 30 giờ. Bệnh nhân ngày càng đông nhưng đội ngũ nhân sự không đủ đáp ứng, gây áp lực lớn đối với các y bác sĩ", Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Malaysia (MMA), bác sĩ N. Ganabaskaran cho biết.
Nhiều bác sĩ thừa nhận thiếu nhân lực là một vấn đề nghiêm trọng tại các bệnh viện ở Malaysia. Một bác sĩ nhi khoa giấu tên cho biết mỗi ngày phòng khám công nơi cô đang công tác ở bang Sarawak mở cửa ba giờ/ngày và phải khám cho 100 bệnh nhân cùng lúc, trong khi chỉ có 6 bác sĩ.
"Với khối lượng công việc như vậy, bác sĩ khó có thể đảm bảo chất lượng dịch vụ khám bệnh. Chính phủ không đặt trọng tâm vào ngành y tế nên y bác sĩ phải gánh chịu mọi hậu quả", nữ bác sĩ nói.
"Nhiều điều dưỡng lẫn bác sĩ phải thường xuyên tăng ca do thiếu nhân lực. Điều này khiến mọi người lâm vào tình trạng căng thẳng nghiêm trọng dẫn đến kiệt sức về thể chất, tinh thần và cảm xúc", một bác sĩ gây mê hồi sức ở thành phố Johor Bahru chia sẻ.
Ngày 9/5/2017, bác sĩ nhi khoa Nurul Huda Ahmad tử vong vì tai nạn giao thông ở thành phố Kuala Terengganu sau khi hoàn thành ca trực kéo dài 33 giờ tại bệnh viện công Kota Baru. Nhà của cô cách bệnh viện hơn 30 km.
Trước đó, vào tháng 7/2015, bác sĩ gây mê hồi sức Afifah Mohd Ghazi, 27 tuổi, cũng kiệt sức sau ca trực 33 giờ nên không thể kiểm soát được ôtô, đâm xe vào cây trong lúc di chuyển từ một bệnh viện công để trở về nhà ở thành phố Sungai Buloh. Sau cái chết của Afifah, nhiều người dân Malaysia kêu gọi thay đổi điều kiện làm việc cho y bác sĩ, đồng thời chia sẻ về vấn đề làm việc quá mức của chính họ trên mạng xã hội.
Các NGO cũng gặp trực tiếp nhiều quan chức Bộ Y tế, đưa ra hàng loạt đề xuất, bao gồm dự thảo luật hoặc quy định về "giờ làm việc an toàn" nhằm đảm bảo y bác sĩ trực và nghỉ ngơi phù hợp, đồng thời tăng cường phúc lợi. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là tuyển thêm nhân sự.
Dù bác sĩ tại bệnh viện công đang phải làm việc quá tải, nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành y khoa không có việc làm. Thậm chí, một số cử nhân y khoa phải làm việc pha chế hoặc lái taxi Grab. Báo cáo của tổ chức phi chính phủ Malaysian Medics International cho thấy hằng năm 33 cơ sở đào tạo ở Malaysia cho ra lò 3.000 bác sĩ mới, chưa kể khoảng 3.000 du học sinh y khoa tốt nghiệp trở về nước. Bộ Y tế quản lý các bệnh viện công, nhưng chính phủ tuyển dụng bác sĩ theo quy chế viên chức nhà nước.
Từ năm 2015, chính phủ nhiều lần khẳng định không thể tuyển thêm viên chức, bao gồm bác sĩ, do thiếu ngân sách. Tính đến tháng 3/2019, Malaysia có 1,71 triệu viên chức, trong đó viên chức ngành y tế thấp hơn ngành giáo dục.
Thứ trưởng Y tế Malaysia Lee Boon Chye hôm 17/11 đã đề nghị chính phủ bổ sung 10.675 y bác sĩ cho các bệnh viện công trên toàn quốc. "Chúng tôi đã gửi công văn đề xuất và hy vọng chính phủ sẽ phê duyệt trong năm tới nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ y tế cho toàn thể người dân", ông Lee nói.
Báo cáo của Hiệp hội Y khoa Hồi giáo Malaysia (IMAM) lưu ý các quốc gia ở châu Âu áp dụng quy định giới hạn thời gian làm việc của bác sĩ, với một ca làm việc thông thường là 8h-17h.
"Bác sĩ ở Malaysia phải sẵn sàng đến bệnh viện khi được gọi và ca trực có thể kéo dài từ 8h cho đến 17h ngày hôm sau", bác sĩ Munawwar Salim, thành viên IMAM, cho hay. Ông Salim chỉ ra rằng một thông tư của chính phủ cho phép bác sĩ có một ngày nghỉ sau ca trực nhiều giờ, nhưng quyết định thực hiện tùy thuộc vào ban giám đốc bệnh viện.
"Sự thật là đội ngũ y bác sĩ không thể có ngày nghỉ do thiếu nhân sự. Ít nhất 30% bác sĩ bị căng thẳng quá mức, chưa kể điều dưỡng cùng các trợ lý phòng thí nghiệm. Chúng ta phải hành động ngay lập tức để giải quyết triệt để vấn đề này vì sự thịnh vượng của ngành y tế sẽ phản ánh sự thịnh vượng của đất nước", Chủ tịch MMA Ganabaskaran nhấn mạnh.
Trân Châu (Theo CNA/Bernama)