![]() |
Vật chất tối tràn đầy vũ trụ, đan xen giữa vật chất thường. |
Nhóm nghiên cứu của James Wandelt, Đại học Illinois ở Urbana-Champaign (Mỹ), đã kết hợp hai giả thuyết chính về lực tương tác mạnh và yếu giữa các hạt vật chất tối. Về khái niệm "hạt vật chất tối", bởi không thể quan sát được, nên các nhà thiên văn chỉ phỏng đoán được sự hiện hữu của chúng qua vị trí của các vùng vật chất thường cũng như những "khoảng trống" giữa chúng. Người ta cho rằng, giữa các hạt vật chất tối có sự tương tác theo kiểu lực hấp dẫn, còn gọi là tương tác yếu, vì vậy họ gọi các hạt này là "hạt tương tác yếu" (WIMP: Weakly Interacting Massive Particles).
Tuy nhiên, những quan sát mới đây về vật chất trong vũ trụ cho thấy, sự phân bổ của các thiên hà và hành tinh có những điểm không giống như dự đoán của thuyết WIMP. Vì thế, các nhà khoa học mới giả định rằng, các hạt vật chất tối còn có một lực tương tác khác giữa các hạt nhân của chúng, gọi là tương tác mạnh.
Wandelt và cộng sự đã phân tích hai khả năng tương tác trên. Theo họ, rất có thể lực tương tác yếu đã phá vỡ các hạt nhân đầu tiên, tạo ra các lượng tử ánh sáng, khiến vũ trụ ngày càng giãn nở rộng ra. Còn lực tương tác mạnh giữa các hạt nhân lại có liên hệ mật thiết tới tia gamma (đó là các dòng hạt hạ nguyên tử chuyển động sát gần với vận tốc ánh sáng, sinh ra từ các vụ nổ siêu tân tinh).
Việc tìm hiểu lực tương tác giữa các hạt vật chất tối đang được các nhà khoa học rất quan tâm. Nó giúp lý giải một số điểm mấu chốt trong việc xây dựng một mô hình vật lý tổng quát.
Minh Hy (theo dpa)