Bộ Thương mại Mỹ ngày 14/3 đã ra phán quyết đối với việc lựa chọn nước thứ ba để tính thuế chống bán phá giá đối với cá tra, cá ba sa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Nước thứ ba Bangladesh sẽ được thay thế bằng Indonesia.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) ngày 16/3 phản ứng về quyết định bất ngờ này. VASEP cho biết "rất bất bình" và phản đối việc tăng thuế chống bán phá giá cá tra, basa phi lê mà Mỹ đưa ra.
VASEP cho rằng quyết định của Bộ Thương mại Mỹ đã chịu ảnh hưởng từ cuộc vận động chính trị của Hiệp hội các nhà nuôi cá nheo Mỹ (CFA). "CFA công khai các cuộc gặp cấp cao cũng như nỗ lực vận động trực tiếp các nhà làm luật tại Bộ Thương mại (DOC) nước này. Vì vậy, quyết định mang tính trừng phạt này khiến nhiều người nghi ngờ về tính công bằng", thông cáo báo chí của VASEP cho hay.
Theo VASEP, việc Mỹ căn cứ vào một nghiên cứu về giá của chính phủ Indonesia để tính toán giá cá tra sống nguyên con - nguyên liệu để chế biến cá tra philê là chưa hợp lý. Bởi việc không căn cứ vào giá thực tế mà chỉ dựa vào giá trung bình của cả nước được tính toán từ số liệu của một vài địa phương sẽ dẫn đến chênh lệch lớn về giá.
Trong các đợt xem xét hành chính trước đó, Mỹ liên tục phản đối chọn Indonesia làm nước thay thế để tính toán giá trị sản xuất đầu vào đối với cá tra Việt Nam. Theo VASEP, Indonesia thực tế chỉ là nước nhập khẩu ròng philê cá tra đông lạnh chủ yếu từ Việt Nam, mà không xuất khẩu cá tra ra thị trường thế giới. Bản thân DOC cũng tuyên bố Indonesia không có bối cảnh kinh tế tương đương với Việt Nam trong hầu hết thời gian xem xét hành chính, nhưng sau đó lại không chấp nhận Việt Nam dùng thông tin trên để phản đối. VASEP cho rằng việc Bộ Thương mại Mỹ nói "đây là thông tin mới" là một lập luận vô lý.
Do đó, VASEP yêu cầu Mỹ xem xét lại quyết định cuối cùng và phải thực hiện nhất quán trong việc sử dụng Bangladesh làm quốc gia thay thế để tính giá trị đầu vào đối với cá tra Việt Nam như trước đây.
Ngân Hà