Cuối tháng 4, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản - VASEP có gửi Bộ Tư pháp một loạt kiến nghị. Trong đó, Hiệp hội này có đề nghị Bộ Tư pháp báo cáo Chính Phủ yêu cầu TP HCM xem xét không thu các loại phí hạ tầng, công trình dịch vụ công ích tại khu vực cửa khẩu và cảng biển trong giai đoạn kinh tế khó khăn do tác động của đại dịch.
Trước tiên, TP HCM có thể xem xét không thu phí đến hết ngày 31/12/2021. Đồng thời, điều chỉnh các mức thu trên giảm xuống theo hướng không coi đây là nguồn đóng góp cho ngân sách thành phố.
Song song đó, VASEP cũng đề nghị TP HCM cần công khai minh bạch các khoản thu và chi vào các công trình.
Trước đó, ngày 9/12/2020, tại kỳ họp thứ 23, TP HCM đã thông qua nghị quyết ban hành mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn. Mức phí áp dụng với các lô hàng xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, chuyển khẩu tại tất cả cảng biển.
Cụ thể, tại các cửa khẩu, cảng biển áp dụng mức phí 2,2 triệu đồng một container 20 feet, 4,4 triệu đồng một container 40 feet hàng khô đối với hàng tạm nhập tái xuất gửi kho ngoại quan, hàng chuyển cảnh, chuyển khẩu. Đối với hàng nhập khẩu, xuất khẩu mở tờ khai ngoài TP HCM là 500.000 đồng một container 20 feet và 1,1 triệu đồng một container 40 feet hàng khô, 30.000 đồng một tấn hàng lỏng.....
Theo lý giải của VASEP, việc thu phí này khiến phí chồng phí. Doanh nghiệp sẽ phải trả phí lên tới hàng tỷ đồng một năm. Chẳng hạn như doanh nghiệp thủy sản Khánh Hòa, mỗi năm xuất 3.000 container thì phải trả tới 5,5 tỷ đồng một năm. Ngoài ra, tiền phí trạm BOT mỗi năm là 7,5 tỷ đồng. Như vậy, một năm họ phải trả tới 13 tỷ đồng.
Cũng với việc "oằn mình" gánh phí, hiệp hội cho rằng điều này làm gia tăng gánh nặng hành chính, gây ách tắc và trở thành gánh nặng không chỉ cho doanh nghiệp mà cho cả người điều hành. Do đó, hiệp hội đề nghị TP HCM nên hoãn việc thu phí trên.
Thi Hà