Chia sẻ trong tọa đàm "Chiến lược phát triển bền vững của nghề Môi giới bất động sản" tối 28/11, Luật sư Lê Trọng Thêm, Trưởng ban pháp chế Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), cho biết một trong những điểm quan trọng của Luật Kinh doanh bất động sản là ngoài yêu cầu có chứng chỉ hành nghề, các cá nhân môi giới không được hoạt động độc lập. Theo đó, họ bắt buộc phải làm việc trong sàn giao dịch và doanh nghiệp này sẽ có trách nhiệm quản lý, kiểm soát hoạt động của nhân viên.
Môi giới cũng chỉ được mua bán sản phẩm do doanh nghiệp mình đang làm việc phân phối, triển khai. Mọi thông tin về môi giới, mua bán phải công bố đầy đủ, công khai. Điều này đồng nghĩa không còn chuyện "chân đạp nhiều thuyền" và làm thời vụ như trước đây, ông Thêm nói.
Cũng theo Luật sư Lê Trọng Thêm, quy định mới quản chặt hơn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản. Hiện nay vẫn có không ít sàn vì tránh phải gánh các chi phí về lương, bảo hiểm, thuế... đã né ký hợp đồng lao động với môi giới hay chỉ ký hợp đồng cộng tác thời vụ. Điều này dẫn đến nhiều môi giới thiếu sự quản lý, giám sát, hoạt động tự do, tràn lan không tuân thủ quy định làm nghề, gây ảnh hưởng đến uy tín ngành, tạo rủi ro cho khách hàng.
"Yêu cầu môi giới phải gắn bó và được quản lý bởi doanh nghiệp cụ thể sẽ tăng tính trách nhiệm với cả hai bên", ông Thêm cho hay.
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Vũ Tuấn Tú đánh giá nhược điểm lớn của ngành môi giới là đa phần vẫn ở mức "cò", tức chưa được đào tạo bài bản, tính chuyên nghiệp yếu. Khi thị trường nóng sốt, lực lượng môi giới tự do xuất hiện rầm rộ, từ xe ôm, bán hàng, nhân viên hành chính... đều có thể trở thành nhà môi giới bất động sản. Làm nghề dễ dàng khiến môi giới bị đánh giá là nghề thời vụ, nhân sự ngành mất dần uy tín.
"Luật mới tăng tính quản lý và yêu cầu cao hơn về chuyên môn giúp hạn chế môi giới thời vụ lộng hành, làm loạn thị trường", ông Tú chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, nhận định việc bắt buộc các sàn giao dịch phải ký hợp đồng lao động với môi giới, chịu trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức hành nghề hằng năm sẽ loại bỏ tình trạng môi giới tay ngang tham gia thị trường.
Ông Huỳnh Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Công ty bất động sản ERA Việt Nam, cũng phân tích rằng vấn đề không nằm ở số lượng mà là chất lượng. Số lượng môi giới tăng lên là điều tất yếu khi thị trường phát triển, điều cần để tâm là có chính sách kiểm soát hiệu quả hơn để lọc ra những môi giới có đủ năng lực. Luật đang làm tốt điều này và sẽ phát huy hiệu quả trong giai đoạn tới.
Theo ông Hải, quy định mới có thể gây áp lực ban đầu, làm giảm số lượng môi giới đang hoạt động nhưng là quá trình thanh lọc tự nhiên cần thiết, giúp ngành phát triển bền vững hơn. Dù vậy cần lộ trình và hỗ trợ để môi giới thích ứng hay chuyển đổi nghề nghiệp một cách hợp lý.
Thống kê của Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy hiện cả nước có khoảng 300.000 cá nhân hoạt động môi giới bất động sản nhưng đến nay có khoảng 40.000 người được cấp chứng chỉ hành nghề. Chất lượng và cam kết đạo đức nghề nghiệp cũng chưa đồng đều. Các môi giới bất động sản có sự phân hóa rõ rệt về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, khả năng tuân thủ chuẩn mực đạo đức, ảnh hưởng đến niềm tin của khách hàng.
Trong báo cáo mới đây, Bộ Xây dựng cho biết hiện tượng thổi giá, tạo giá ảo trên thị trường bất động sản thời gian qua có sự tiếp tay của môi giới. Đây là các cá nhân hoạt động tự do, không có chứng chỉ hành nghề, yếu về chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp, yếu kém về đạo đức, làm ăn chụp giật, thông đồng làm giá, thao túng thị trường.
Để chuyên nghiệp hóa ngành nghề, ông Nguyễn Văn Đính nói Hội môi giới vừa ban hành bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản Việt Nam, trong đó quy định 17 hành vi môi giới không được làm. Bộ quy tắc tập trung vào việc ứng xử với khách hàng, đảm bảo tính trung thực và ngăn ngừa xung đột lợi ích. Tất cả nhà môi giới đều có trách nhiệm tuân thủ quy định trong bộ quy tắc này.
"Những hành vi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm nhằm bảo đảm tính minh bạch và uy tín nghề nghiệp, ngăn chặn sự đổ vỡ của hệ thống ngành bất động sản:, ông nói.
Bàn về thách thức của nghề môi giới trong bối cảnh thị trường yêu cầu tính chuyên môn hóa cao, bà Phạm Thị Nguyên Thanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ bất động sản Đất Xanh, cho rằng cần thiết nhất lúc này là chuẩn hóa lực lượng môi giới để xóa bỏ những thành phần không đạt chuẩn.
Bên cạnh đó, người làm nghề cũng cần nắm bắt thay đổi hành vi tiêu dùng của người mua, hiểu công nghệ, cải thiện kỹ năng và liên kết với các tổ chức chuyên nghiệp để có thể duy trì vị thế...
Còn theo ông Nguyễn Vũ Tuấn Tú, môi giới tại Việt Nam đang thiếu kiến thức về marketing. Nhìn sang thị trường Trung Quốc, chúng ta thấy những con số đáng kinh ngạc. Có những môi giới đạt doanh thu hàng triệu nhân dân tệ mỗi tháng chỉ nhờ nền tảng mạng xã hội. "Điều này hoàn toàn có thể áp dụng tại Việt Nam nếu môi giới nắm được công thức đúng", ông Tú chia sẻ.
Phương Uyên