Lần đầu ra mắt, My (Hà Nội) thấp thỏm cả đêm không ngủ được, nghĩ đủ cách để vui lòng mẹ chồng tương lai. Nhưng tất cả sự hào hứng đã biến mất chỉ sau mười phút nói chuyện. My kể lại, bác gái nói rất nhẹ nhàng, văn vẻ nhưng khiến My sởn cả gai ốc: “Cháu thấp quá, người đã lùn tịt thế này lại còn kén ăn, giờ không biết chứ sau này dễ bệnh tật đầy mình. Làn da cũng không được sáng lắm, nụ cười thì… có lẽ cháu không cười sẽ đỡ hơn…”.
Sau buổi gặp gỡ nhớ đời, My quyết định chia tay người yêu vì: "Mình đâu phải loại vứt đi không ai nhặt mà phải chịu đựng những lời nói phũ phàng như thế". Nhưng người yêu My đã năn nỉ, bảo hai đứa phải kiên trì, bình tĩnh giải quyết.
Yêu nhau được hai năm, Lan (Hưng Yên) quyết định về nhà người yêu ra mắt mẹ chồng tương lai. Những tưởng mọi chuyện suôn sẻ, vì suốt hai năm yêu nhau, cô không bao giờ thấy Quân nhắc đến việc mẹ chồng khó tính hay phản đối. Không ngờ khi gặp, Lan "đứng hình" trước thái độ của mẹ Quân.
“Mình chào mà bác tảng lờ như không nghe thấy, chào lại lần thứ ba, bác mới ngoảnh lại nhìn một cái rồi quay ngoắt đi không nói gì. Sau đấy, mình hỏi gì bác cũng trả lời trống không, vẻ mặt rất khó chịu, khiến lòng tự trọng của mình bị tổn thương ghê gớm nhưng vẫn phải giả vờ vui vẻ”, Lan kể.
Gặng hỏi mãi, Quân mới thú nhận "mẹ anh không thích con gái tuổi hổ". Sau lần gặp gỡ ấy, mẹ Quân càng phản đối gay gắt, đến mức Quân xuôi theo ý mẹ. “Giờ hắn đang loay hoay tìm em nào sinh đúng 1990, cùng lắm là 1988. "Đàn ông lại có bà mẹ như vậy, mình chẳng có gì để tiếc", Lan bình thản chia sẻ.
Khác với hai trường hợp trên là mẹ chồng tương lai của Nga (Bắc Ninh). Thấy con hay lên Hà Nội thăm người yêu, nhiều hôm 23h đêm mới về, bà xót con, sợ về muộn nguy hiểm nên bắt đầu chuyển thái độ từ thiện cảm sang ác cảm với Nga. Thậm chí bà còn nhiều lần gọi điện tỏ ý không thích con trai đi về tối như thế.
Nga đã giảm số lần gặp xuống một lần mỗi tuần, nhưng mẹ chồng tương lai vẫn không hài lòng, cho là Nga yếu đuối, hay nũng nịu người yêu. “Thằng Tuấn mà bị làm sao, cháu không yên với bác đâu. Cháu phải cứng cỏi lên không thì không phù hợp với nhà bác được”, Nga nhắc lại tin nhắn của mẹ chồng tương lai. Sau tin nhắn ấy, cô nàng đã cố gắng tìm mọi cách để làm hài lòng bác gái, nhưng tình hình vẫn không được suôn sẻ cho lắm.
Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Minh Hoa - tổng đài 1088, các bà mẹ Việt Nam nhìn chung có xu hướng không đồng ý với "đối tượng" của con mình ngay từ lần gặp đầu tiên. Họ cho rằng có quyền trong việc quyết định lựa chọn bạn đời cho con nên việc mẹ chồng và nàng dâu tương lai không suôn sẻ trong lần gặp gỡ đầu tiên là rất bình thường.
Như trường hợp của My ở trên, trước khi có ý định chia tay, bạn nên xác định rõ tình cảm hai người dành cho nhau có phải thực lòng không. Nếu yêu nhau thực lòng, hai bạn nên tìm cách chứng minh cho mẹ chồng tương lai thấy được những điểm mạnh khác của mình, bên cạnh những khuyết điểm bề ngoài. Cái này cần thời gian, cũng như sự trợ giúp rất lớn của bạn trai (bạn trai My nên tạo điều kiện cho bạn gái tiếp xúc nhiều hơn với gia đình để cô ấy có cơ hội thể hiện thế mạnh bản thân). Như mặc dù không xinh đẹp, không cao, nhưng bù lại bạn rất chăm chỉ, khéo léo… Hơn nữa, xét cho cùng, những lời bác gái nói không sai, chỉ là sự thật không được dễ nghe cho lắm.
Còn với bà mẹ thích bắt bẻ, dù cố gắng thế nào họ cũng không ưng ý, bạn không nên vì thế mà vội cãi lại, hay làm mọi chuyện trở nên gay gắt, càng không nên gây sức ép cho người ở giữa là người yêu mình. Thay vì thế, bạn phải làm cách nào đó để cân bằng được tình cảm với cả hai. Đặc biệt, bạn cũng nên nhìn rõ một sự thật, đấy là mẹ nào cũng thương con, nên khi thấy con trai thể hiện tình cảm thái quá với người yêu, các bà mẹ sẽ rất khó để có thể thích nghi ngay.
Hay với trường hợp của Lan nói riêng và bạn gái bị mẹ người yêu phản đối vì không hợp tuổi nói chung, các bạn nên cân nhắc thật kỹ lựa chọn của mình. Bởi hạnh phúc là do bạn quyết định, chứ không phụ thuộc vào tuổi tác (chưa có khoa học nào chứng minh tuổi tác quyết định đến hạnh phúc đôi lứa). Nếu yêu nhau, sẵn sàng vượt qua mọi rào cản để đến với nhau, hai bạn cần xác định rõ tư tưởng, cưới nhau về lúc hạnh phúc yên ấm không sao, đến lúc khó khăn, không nên lôi chuyện tuổi tác ra để trách mó, sẽ rất dễ nảy sinh hối hận, đổ vỡ.
Chuyên gia chia sẻ thêm, trong hầu hết trường hợp, con trai là người đứng giữa và có vai trò rất quan trọng trong việc làm cầu nối giữa hai người phụ nữ của mình. Phái nam không nên phó mặc và cho rằng đó là chuyện đàn bà. Thay vì thế, bạn nên ở giữa, thấu hiểu và tìm cách dung hòa, xích hai người gần nhau hơn nữa.
Chuyên gia tư vấn tâm lý Phạm Thị Lan cũng cho biết, khi bị mẹ chồng tương lai chê xấu, khó ưa, các bạn nữ thường có tâm trạng hậm hực là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, bạn cũng cần bình tĩnh tìm hiểu xem nguyên nhân xuất phát từ đâu để tìm cách giải quyết, tránh quy kết nóng vội. Đặc biệt, bạn gái hoàn toàn nên tránh gây áp lực với bạn trai hoặc chồng chưa cưới. Hãy đề nghị anh ấy giúp bạn hiểu rõ hơn về bác gái cũng như gia đình nhà chồng tương lai.
Khi vấn đề được sáng tỏ, bạn nên có một buổi đến chơi thân mật để bác gái có cơ hội hiểu rõ hơn. Trước khi buổi gặp gỡ diễn ra, bạn cần chủ động bàn bạc với người yêu về cách thức ra mắt như thế nào là hợp lý. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến ấn tượng ban đầu và các lần gặp gỡ tiếp theo giữa bạn và gia đình người yêu.
Trong buổi trò chuyện với bác gái, bạn cần tránh tỏ ra giỏi giang hơn con trai của họ. Hãy cho họ biết rằng con trai họ là nhất. Điều này có thể khiến bạn khó chịu nhưng thường nó sẽ làm cho mối quan hệ giữa hai người phụ nữ trở nên dễ chịu hơn. Tuy nhiên, cũng có mẹ chồng dựa vào lý do này để chê trách là con dâu thấp kém không xứng với con trai bà. Vấn đề ở chỗ cách nói của bạn phải thật khéo léo, tinh tế.
Cuối cùng, các bạn gái nên khuyên bạn trai biết cách cân đối thời gian dành cho người yêu và gia đình. Bởi không ít chàng trai khi yêu mải mê với bạn gái mà bỏ bê gia đình hoặc bố mẹ, một trong những lý do khiến bố mẹ chàng không có thiện cảm với bạn vì đã "chiếm lĩnh" con yêu của họ.
Thế Đan