Cuối tuần, ông Nguyễn Văn Mỹ, 55 tuổi, ở xã Hàm Minh vào khu rừng cách nhà 5 km hái xoay. Ông chạy xe máy dọc con đường sỏi vào suối nước nóng Bưng Thị. Hai bên đường, những hàng xoay rừng lá xanh ngắt, quả trĩu đong đưa trong gió.
Cứ đi một đoạn, thấy những chùm trái chín đen, ông cầm liềm leo lên, với tay cắt những cành nhỏ có trái già. Canh vừa đủ số lượng chở về, ông trèo xuống, gom lại bẻ bớt lá và cành, chỉ chừa lại những cọng nhỏ bám đầy trái.
Theo ông Mỹ, trái xoay có đặc điểm nếu chín cây, cơm thường có màu trắng, hái ăn ngay sẽ không ngon. Trái già mang về phơi nắng, phơi sương hai hôm, rồi mang ủ cho đến khi vỏ đen đầu, lúc đó bóc vỏ ra, cơm có màu cam nâu, ăn mới ngon với vị ngọt thanh trong cổ họng.
Mỗi lần vào rừng, ông Mỹ hái chừng một bao chừng 20 kg trái. Ông bán 40.000 đồng một ký tươi, còn khi đã phơi khô ủ chín sẽ có giá 60.000 đồng.
Cách đó khoảng chục cây số theo đường chim bay, anh Nguyễn Vương, 34 tuổi, cùng hàng xóm ở xã Tân Thuận tuần nào cũng vào rừng hái xoay. Mỗi chuyến đi, anh hái hơn chục ký trái, kiếm được khoảng 500.000-600.000 đồng.
"Ngày thường tụi mình mắc việc nhà, chăm vườn thanh long, cuối tuần vừa lên rừng giải trí vừa tìm xoay kiếm thêm thu nhập", anh Vương chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Thảo, người dân thị trấn Thuận Nam cho hay, trái xoay bắt đầu chín vào mùa học sinh tựu trường, kéo dài trong 3 tháng. Lúc xoay chín rộ có giá 50.000-60.000 đồng một ký, lúc cuối mùa càng đắt hơn. Còn bán lẻ cho học sinh ở cổng trường hoặc chợ, khoảng 10.000 đồng một chùm. "Loại trái này bán rất chạy, mình mua và bán lại vài ký mỗi ngày", chị Thảo nói.
Thạc sĩ Hồ Thanh Tuyền, chuyên gia quả rừng (Chi cục Kiểm Lâm Bình Thuận) cho biết cây xoay, còn gọi là xây hoặc xay, phân bố nhiều nơi tại Bình Thuận. Riêng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, chúng phát triển mạnh trong các cánh rừng đất cát gần biển. "Rễ xoay ăn rất sâu, cây trưởng thành có rễ đâm thẳng đến vài mét, do vậy chúng có sức sống rất mãnh liệt", ông Tuyền cho hay.
Thạc sĩ Tuyền đang nghiên cứu, trồng thử nghiệm loại cây rừng này với diện tích hơn 3.000 m2. Hạt giống được ông lấy từ rừng về, ươm thành cây con, trồng ở vườn khảo nghiệm cách trụ sở khu bảo tồn Tà Cú chừng một km. "Nếu thành công, chúng tôi sẽ hỗ trợ kỹ thuật để người dân sống ven rừng ở vùng khó khăn nhân rộng mô hình, tạo sinh kế cho bà con", ông Tuyền nói.
Việt Quốc