Vừa tờ mờ sáng, anh A Thiên, 28 tuổi, cùng ba người dân ở xã Ngọc Lây lái xe máy hướng đến cánh rừng thôn Măng Rương 1, cách nhà khoảng 3 km. Khi đến bìa rừng, họ bỏ lại xe rồi đi bộ.
Bốn người đàn ông mang gùi, chia thành nhóm đi hai hướng, phăng phăng luồn lách dưới rừng rậm. Leo núi được nửa tiếng, A Thiên cùng người bạn phát hiện hai cây ngũ vị tử, cao gần 10 m, cành trĩu quả đỏ, chín mọng.

Người dân Xơ Đăng leo cây hái ngũ vị tử kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Ngọc Oanh
A Thiên leo lên cây hái quả, người còn lại đứng dưới đất nhặt, gom vào gùi. Mỗi cây họ hái chừng 1-2 kg trái và chỉ lấy những nhánh nhỏ, không chặt hạ các cành lớn, ảnh hưởng sự phát triển của cây. "Người dân Xơ Đăng luôn trân trọng và biết cách bảo vệ cây rừng", anh A Thiên nói.
Để tìm những cây to, trái nhiều, nhóm A Thiên đi sâu vào rừng, nơi có độ cao từ 1.200 m trở lên, đường đi hiểm trở. Trung bình mỗi ngày, một người trong nhóm hái 30-50 kg, có khi được cả tạ nếu gặp cây lớn, sai quả. Với giá bán 10.000-12.000 đồng một kg, thợ đi rừng có thể kiếm tiền triệu đồng mỗi ngày.
Ngũ vị tử thuộc họ cây thân leo, có vị chua, chát, sống lâu năm ở vùng núi Ngọc Linh, huyện Tu Mơ Rông. Tháng 9 và 10 hàng năm, loại quả này bắt đầu chín rộ. Ngoài vị chua và chát khá lạ, trái còn được y học xem là dược liệu tác dụng kháng khuẩn, bảo vệ gan, giải độc cơ thể, giảm mệt mỏi...
Theo A Thiên, trước đây người dân đi rẫy thường hái trái cây này về ăn. Vài năm gần đây, thương lái vào tận xã thu mua, ngũ vị tự mang lại thu nhập cho người dân. Vì vậy, khoảng tháng 9 và 10, tranh thủ lúc lúa chưa chín hay khi gặt xong, người dân xã Ngọc Lây, Đăk Na, Tê Xăng, Măng Ri... vào rừng hái kiếm thêm thu nhập.

Trái ngũ vị tử trở thành đặc sản ở huyện Tu Mơ Rông. Ảnh: Ngọc Oanh
Ông Nguyễn Anh Vũ, Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Lây, cho biết ngũ vị tử được phân bổ đều ở các thôn, với diện tích hơn 10 ha. Cả xã có khoảng 300 hộ dân đến mùa lại tranh thủ lúc đi làm rẫy hái ngũ vị tử về bán cho thương lái. Mỗi năm ước tính người dân ở xã thu được 10-20 tấn.
Theo ông Vũ, hiện xã có hai đơn vị doanh nghiệp thu mua ngũ vị tử của người dân. Trái chín ngoài để ăn còn được ngâm đường đến khi lên men, sau đó pha thành thứ rượu ngũ vị tử đặc sản ở vùng núi. Nhiều gia đình, hợp tác xã còn chế biến ngũ vị tử lên men, phơi khô và làm nguyên liệu chế biến ra các sản phẩm khác.
Ông Dương Thái Khoa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tu Mơ Rông, cho biết toàn huyện có hơn 30 ha cây ngũ vị tử. Địa phương đang có chủ trương phát triển và khai thác hiệu quả loại dược liệu này thành sản phẩm đặc trưng của vùng.
Ngọc Oanh