Thiên hà có hình dáng vành khuyên với lỗ hổng ở giữa có khối lượng tương tự dải Ngân Hà và vô cùng hiếm gặp, theo dự án của Hội đồng Nghiên cứu Australia. Các nhà thiên văn học thuộc dự án chụp ảnh thiên hà R5519 ở cách hệ Mặt Trời 11 tỷ năm ánh sáng. "Đó là vật thể gây tò mò mà chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy trước đây. Trông nó vừa kỳ lạ vừa quen thuộc", trưởng nhóm nghiên cứu Tiantian Yuan nhận xét.
Kết quả công bố hôm 25/5 trên tạp chí Nature Astronomy cho thấy, lỗ hổng ở trung tâm thiên hà R5519 có đường kính dài gấp hai tỷ lần khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trời. Thiên hà này sản sinh sao ở tốc độ nhanh gấp 50 lần dải Ngân Hà. "Phần lớn hoạt động tạo sao diễn ra ở phần khuyên tròn, vì vậy đó thực sự là một vành đai lửa", Yuan nói.
Yuan và đồng nghiệp trên khắp thế giới sử dụng dữ liệu quang phổ để nhận dạng thiên hà. Các bằng chứng cho thấy đây có thể là "thiên hà vòng va chạm" đầu tiên ở vũ trụ thuở sơ khai. Loại thiên hà này ra đời sau khi đâm vào những thiên hà khác. Phát hiện có thể giúp các nhà thiên văn học hiểu rõ quá trình ra đời dải Ngân Hà, theo Kenneth Freeman, đồng tác giả nghiên cứu ở Đại học Quốc gia Australia.
Để thiên hà vòng va chạm hình thành từ hai thiên hà va vào nhau, một thiên hà phải có đĩa vật chất mỏng trước khi sự kiện xảy ra. Mọi thiên hà xoắn ốc giống dải Ngân Hà đều có đĩa mỏng. Phần đĩa của dải Ngân Hà mới hình thành cách đây khoảng 9 tỷ năm nhưng thiên hà R5519 có niên đại lên tới 11 tỷ năm. Điều này chứng tỏ quá trình kết hợp đĩa ở các thiên hà xoắn ốc xảy ra trong thời gian dài hơn dự đoán trước đây.
An Khang (Theo CNN)