"Chúng ta đã ghi nhận quý I kỷ lục về sản lượng khai thác, khi tăng 4% so với năm ngoái. Tuy nhiên, khi nhìn rộng hơn, tôi thấy hoạt động này đã đi ngang từ năm 2018 và đến nay không tăng trưởng mấy", Reade cho biết trên CNBC hôm 9/6.
Theo dữ liệu của WGC, sản lượng khai thác vàng năm 2023 chỉ tăng 0,5% so với năm trước đó. Năm 2022, mức tăng là 1,35% và trước đó nữa là 2,7%.
"Câu chuyện ở đây là sau 10 năm bùng nổ kể từ năm 2008, ngành khai thác vàng đang khó duy trì tăng trưởng", Reade nói.
Các mỏ vàng mới trên thế giới đang ngày càng khó tìm, do các khu vực tiềm năng đều đã được khai thác, ông giải thích. Việc khai thác vàng quy mô lớn đòi hỏi lượng vốn dồi dào và cần thăm dò kỹ càng. Tính trung bình, một mỏ cần 10-20 năm mới có thể ra sản phẩm.
Kể cả trong quá trình thăm dò, khả năng có thể khai thác được cũng thấp. Chỉ khoảng 10% mỏ vàng được phát hiện trên toàn cầu là có đủ trữ lượng để khai thác.
Đến nay, khoảng 187.000 tấn vàng đã được khai thác trên toàn cầu. Phần lớn đến từ Trung Quốc, Nam Phi và Australia. Trữ lượng vàng có thể khai thác hiện chỉ khoảng 57.000 tấn, theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ.
Việc xin giấy phép từ chính phủ cũng ngày càng khó và mất nhiều thời gian, Reade nói. Quá trình này có thể mất tới vài năm.
Một khó khăn nữa là nhiều dự án khai thác nằm ở nơi xa xôi, cơ sở hạ tầng như đường bộ, điện và nước còn kém, khiến chi phí vận hành bị đội lên cao. "Hiện tại, việc tìm kiếm, xin cấp phép, tìm nguồn tài chính và vận hành mỏ mới ngày càng khó", Reade cho biết.
Giá vàng thế giới vài tháng qua liên tiếp lập đỉnh, do nhu cầu tại Trung Quốc. Tháng trước, giá có thời điểm lên kỷ lục 2.450 USD một ounce. Hiện tại, giá vàng xoay quanh 2.294 USD.
Hà Thu (theo Reuters, CNBC)