Sáng 24/9, Ngân hàng Nhà nước thay đổi giá bán vàng miếng can thiệp sau 3 ngày giữ nguyên.
Theo đó, giá vàng miếng bán ra thị trường được 4 ngân hàng quốc doanh và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) nâng lên 1,5 triệu đồng so với hôm qua, lên 83,5 triệu đồng một lượng. Đồng thời, SJC cũng nâng chiều mua vào thêm 1,5 triệu đồng, lên 81,5 triệu đồng.
So với vàng miếng, nhẫn trơn có độ nhạy hơn trước các diễn biến trên thị trường quốc tế. Vài ngày gần đây, vàng nhẫn đã liên tiếp đi lên và tăng hơn 1,5 triệu đồng một lượng.
Sáng nay, nhẫn trơn vẫn chưa dứt đà tăng và lên cao hơn vài trăm nghìn một lượng so với hôm qua, đồng thời xác lập kỷ lục mới. SJC niêm yết giá nhẫn trơn tại 79,8 - 81,1 triệu đồng. Tại các thương hiệu khác như DOJI, PNJ, Bảo Tín Minh Châu, giá bán nhẫn trơn lên 81,2-81,4 triệu một lượng. Ước tính, nhẫn trơn ghi nhận mức sinh lời 29%, cao hơn nhiều so với vàng miếng (13%).
Trên thị trường quốc tế, giá vàng hiện neo quanh vùng đỉnh 2.627 USD một ounce, quy đổi theo tỷ giá bán Vietcombank tương đương 78,6 triệu đồng một lượng. Chênh lệch giữa vàng miếng trong nước và thế giới hiện lên gần 5 triệu đồng một lượng.
Dự báo từ các ngân hàng hàng đầu thế giới đều chung góc nhìn lạc quan về kim loại quý. Theo đó, mốc 2.700 USD nhiều khả năng sẽ đạt được trong năm nay hoặc đầu năm sau. Động lực chính cho đà tăng của kim loại quý là các đợt cắt giảm lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), cộng với các yếu tố hỗ trợ như bất ổn địa chính trị và lực mua vàng từ các ngân hàng trung ương.
Giá vàng trong nước "nóng" lên theo xu hướng quốc tế, tuy nhiên giao dịch thực tế khá trầm lắng. Vàng miếng hiện được phân phối với số lượng giới hạn, chủ yếu được người dân mua qua website hoặc ứng dụng của 4 ngân hàng và SJC (các doanh nghiệp khác gần như không có nguồn để bán). Với vàng nhẫn trơn, hệ thống các thương hiệu lớn thường rơi vào tình trạng khan hàng.
Quỳnh Trang