Trong quá trình điều tra, các bị cáo khai đã đưa hối lộ hơn 100 cá nhân gồm ông Hà Ngoan, Lương Xuân Nhị (Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ, nguyên phó văn phòng UBND tỉnh Yên Bái) và Nguyễn Văn Toàn (nguyên đội trưởng Đội kiểm soát nghiệp vụ hải quan số 1 của Hải quan Lào Cai đóng tại Yên Bái)... Việc này được thể hiện qua 2 bản danh sách những người nhận quà biếu với tổng trị giá gần 5 tỷ đồng và 40.000 USD do Nguyễn Văn Soàng ghi chép.
Cơ quan điều tra Công an Yên Bái xác minh, kết luận rằng chỉ có đủ cơ sở chứng minh 4 trường hợp đã nhận tiền và quà. Theo đó, ông Hà Ngoan cầm 40 triệu đồng; Lương Xuân Nhị nhận gần 16 triệu đồng; Đinh Văn Quảng (Chi cục phó Chi cục Thủy lợi tỉnh, nguyên chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh) cầm hơn 21 triệu đồng và Trần Tấu (Giám đốc Kho bạc Yên Bái, nguyên phó giám đốc Kho bạc tỉnh) nhận 46 triệu đồng. Tuy nhiên, công an đánh giá hành vi của 4 người "chưa đủ tài liệu chứng minh về hành vi nhận hối lộ" mà chỉ là "hành vi đồng phạm với Nguyễn Văn Soàng làm trái các quy định về quản lý kinh tế, nhưng chưa đến mức bị xử lý hình sự". Tóm lại, không có ai đưa và nhận hối lộ trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng này.
Theo cáo trạng công bố tại tòa sáng nay, năm 1992-1998, Công ty XNK Yên Bái dưới sự điều hành của Nguyễn Văn Soàng đã để ngoài sổ sách việc xuất khẩu gỗ pơmu, chi tiêu sai nguyên tắc... dẫn đến mất vốn hơn 17 tỷ đồng, lâm vào cảnh phá sản. Công an tỉnh Yên Bái phát hiện 16 vụ vi phạm pháp luật tại công ty, gây thất thoát hơn 6,6 tỷ đồng, trong đó tham ô hơn 3 tỷ. Cơ quan điều tra đã khởi tố 10 người liên quan vụ án, nhưng VKS chỉ truy tố 6 người gồm Nguyễn Văn Soàng cùng 5 cán bộ dưới quyền là Tống Đức Tạo, Lê Văn Thạc, Nguyễn Thị Đường, Đỗ Thái Hùng và Lưu Thị Lập.
Phiên xử dự kiến kéo dài trong 8 ngày, làm việc cả ngày nghỉ. HĐXX do bà Đinh Thị Hoan (Phó chánh án TAND tỉnh) làm chủ tọa.
(Theo Tuổi Trẻ, Tiền Phong)