Trong cuộc lựa chọn căng thẳng đó, có một thực tế mới tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hiện nay, là nhiều bậc phụ huynh cho con cái "tỵ nạn giáo dục tại chỗ". Họ gửi con học ở trường quốc tế, hoặc trường tư có yếu tố quốc tế. Mới thập kỷ trước, trường công trong quan niệm phổ biến nhưng vẫn là biểu tượng cho các chuẩn mực giáo dục. Nhưng giờ nhiều người chấp nhận đứa trẻ có thể đuối hơn về kiến thức sách vở, nhưng ít nhiều được hít thở không khí tự do trong học tập.
Cách đây ít lâu, tôi có dự một cuộc tọa đàm về khởi nghiệp dành cho các bạn trẻ. Có lúc, diễn giả phải động viên đến mấy lần để được nghe những câu hỏi, những phản biện, những "ý kiến khác" từ khán giả. Rốt cuộc, rất hiếm cánh tay giơ lên.
Những người có mặt hôm ấy rất bình thản trước việc diễn giả phải độc thoại. Tôi cũng chẳng ngạc nhiên. Sẽ là xa xỉ nếu cuộc tọa đàm đó xuất hiện những lời phản biện.
Có người bạn kêu ca về việc cậu con phải viết lại bài văn cô cho về nhà. Đề bài yêu cầu tả chiếc cặp mới của em. Cậu bé đã viết năm nay cậu không có cặp mới. Mẹ cậu bảo rằng chiếc cặp cũ vẫn rất tốt. Vậy nên, cậu tả chiếc cặp cũ. Cậu cũng kể thêm, mẹ cậu bảo, số tiền để mua cặp mới được dùng làm quà cho các bạn học sinh nghèo vùng cao. Và cậu rất vui vì điều đó. Bài văn bị đánh giá là lan man. Cô giáo yêu cầu làm lại, với những gạch đầu dòng gợi ý rất rõ ràng phải tả chiếc cặp màu gì, kích thước ra sao, có mấy ngăn, có quai đeo hay không...
Hầu như bất cứ ai trong chúng ta đều bắt gặp những câu chuyện như thế. Làm văn, khác thầy cô hướng dẫn, sẽ bị lạc đề. Làm toán, cũng chẳng khá hơn. Lũ trẻ, sẽ rất mau rút ra bài học kinh nghiệm rằng phải làm theo đúng khuôn mẫu định sẵn mới được điểm cao.
Văn hoá phương Đông đề cao vai trò người thầy trong giáo dục. Điều đó là chưa bao giờ sai. Người thầy có vai trò quan trọng trong cung cấp kiến thức, hình thành nên nhân cách con người. Nhưng tuyệt đối hoá vai trò người thầy sẽ cản trở sự phát triển tư duy của trẻ. Nền giáo dục Việt Nam lâu nay đi đúng con đường ấy. Cách dạy dỗ "chân lý duy nhất", "thầy cô luôn đúng" và "biết vâng lời là ngoan" tước đi quyền được nghĩ khác, nói khác, tước đi sự sáng tạo, tư duy độc lập của những đứa trẻ. Lâu dần, sự biến mất của cái quyền đó trở thành mặc nhiên.
Không chỉ ở bậc mầm non, tiểu học hay trung học. Bạn đừng ngạc nhiên nếu một ngày nào đó bước chân vào giảng đường đại học và thấy cảnh giảng viên liên miên nói, còn sinh viên cắm đầu cắm cổ ghi lại "ý ngọc lời vàng". Những kỳ thi, sau đó, diễn ra đúng nghĩa với hai chữ "trả bài".
Nhiều người đã đặt câu hỏi: Vì sao có cô giáo ở TP HCM "không nói một lời" suốt mấy tháng, vì sao hàng loạt nam sinh bị lạm dụng tình dục trong thời gian dài mà không học sinh nào lên tiếng? Vì sao cả lớp đồng loạt tát bạn mà không có bạn nào phản ứng với chỉ đạo của cô giáo? Hay nhiều vụ việc, các em học sinh thường âm thầm chịu đựng và rất lâu sau cha mẹ mới biết? Câu trả lời không nằm ở những học sinh cụ thể. Một nền giáo dục chỉ tập trung dạy trẻ vâng lời, nơi giáo viên luôn đúng thì làm sao học sinh có thể đưa ra những thắc mắc, phản biện, hay chống lại cái sai của thầy cô?
Bạn tôi là người ham tìm hiểu các phương pháp giáo dục mới. Bạn tôi dạy cho hai đứa nhỏ tinh thần "phản biện", tư duy độc lập. Hai thằng bé đã "rước họa" khi đem tinh thần ấy vào học tập. Sau nhiều đắn đó cân nhắc, bạn tôi chấp nhận "hy sinh đời bố", cắt giảm chi tiêu để chuyển con sang trường quốc tế.
Tôi tin rằng những đứa trẻ như thế, nếu trường học xảy ra chuyện thầy cô im lặng không giảng bài, thầy cô đánh đập học sinh, lạm dụng, hay quấy rối tình dục... chúng sẽ rất mau mắn lên tiếng.
Sau mỗi vụ việc tiêu cực trong ngành giáo dục "bị lộ", lại có những chỉ đạo nọ, quyết tâm kia, hoặc hô hào nâng cao đạo đức nhà giáo... Cũng có hiệu quả nhất định. Nhưng đó thực sự là phương pháp chữa cơn đau bụng bằng bôi dầu. Kỹ năng sống, tư duy phản biện, dám nói không, dám đấu tranh với điều sai trái... cũng không thể hình thành qua vài buổi tập huấn vội vã. Cũng không thể kêu gọi đạo đức nhà giáo suông. Nó phải bắt đầu từ thay đổi triết lý giáo dục.
Nền giáo dục "vâng lời là ngoan", "thầy giáo luôn đúng" để lại hậu quả trên diện rộng, và gây tác hại lâu dài ở sự triệt tiêu cá tính, triệt tiêu phản biện và thui chột sáng tạo. Điều đó không dễ nhận ra khi chúng ta đóng cửa. Nhưng khi hội nhập, giao lưu với thế giới hiện đại, chiếc mặt nạ sẽ bị lột ra.
Cuộc tọa đàm tôi kể ở trên không phải cuộc tọa đàm về khởi nghiệp thông thường, mà là khởi nghiệp sáng tạo trong thời đại 4.0... Ở thời đại này, lớp trẻ đối mặt với những thách thức lớn hơn, khác hẳn những gì cha anh chúng từng gặp. Giáo dục "tuân phục" và "cúi đầu" là tấm phiếu bảo hành giá trị cho sự tụt lùi và thất bại trong một thế giới mà sự sáng tạo mới là yếu tố then chốt cho những thành công.
Giang Nam