Sáng đầu tháng 3, một vài ghe tàu tập trung tại chợ nổi Cái Răng trên sông Cần Thơ mua bán nông sản. Ngồi trên ghe khóm (dứa) thả neo ở đầu chợ, ông Trần Minh Thành cho biết trước đây mỗi sớm chợ đón 500-600 ghe tàu chở lúa, rau quả từ các nơi về đây đậu san sát, chiếm gần 2/3 mặt sông, kéo dài hơn một km.
Tuy nhiên vài năm qua, số ghe thuyền về chợ ngày càng giảm, có khi mỗi ngày chỉ 30-40 chiếc. Theo ông Thành, ghe thuyền vắng một phần do nhiều chành (điểm kinh doanh hàng hoá) đã dời sang bến sông khác phù hợp. Một số thương hồ bán tàu, ghe để lên bờ mua ôtô tải vận chuyển hàng. Những năm gần đây, chính quyền Cần Thơ xây bờ chống sạt lở (phía quận Cái Răng) quá cao khiến việc vận chuyển hàng hóa giữa ghe, thuyền với chành ở trên bờ không thuận lợi.
Thiếu vắng cảnh buôn bán khiến chợ nổi Cái Răng dần giảm sự thu hút khách du lịch. Anh Lâm Minh Hiếu, hướng dẫn viên công ty du lịch lữ hành ở TP HCM, cho biết hơn 70% khách của đơn vị khi đặt tour đến Cần Thơ đều yêu cầu đi chợ nổi. Tuy nhiên việc quá ít ghe tàu bán hàng khiến nhiều khách đến chợ không có nhiều hoạt động vui chơi, trải nghiệm.
Trước thực trạng trên, từ năm 2016 chính quyền Cần Thơ phê duyệt đề án bảo tồn, phát triển chợ nổi Cái Răng, với tổng chi phí 63 tỷ đồng, nhằm bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến nay đề án xong các hạng mục chính như tàu thu gom rác, dời 40 bè nổi đến nơi neo đậu an toàn, hỗ trợ vốn cho hàng trăm hộ phát triển sản phẩm du lịch, tổ chức thuyền bán quà lưu niệm, trái cây, ẩm thực trên sông...
Song đề án chưa giúp chợ nổi thu hút được lượng tàu thuyền, khách du lịch do dịch vụ ở đây không đủ thu hút, sản phẩm trải nghiệm đơn điệu... Nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng cho hay chợ nổi Cái Răng có những giá trị văn hóa đặc sắc như phương thức trao đổi hàng hóa, lối sống, tình nghĩa xóm giềng đùm bọc, sinh hoạt văn hóa (ca hát, đờn ca tài tử) của thương hồ... Tuy nhiên đề án phát triển chợ nổi không có nội dung bảo tồn nét văn hóa đặc trưng này.
"Có thương hồ mới có chợ nổi. Vì vậy mục tiêu quan trọng nhất là phải bảo tồn hoạt động giao thương và văn hóa chợ nổi để giữ chân được thương hồ", ông Nhâm Hùng nói và cho biết về lâu dài thành phố cần chuyển đổi từ chợ nổi tự nhiên sang chợ nổi tự tạo phát triển du lịch. Việc này nên giao cho doanh nghiệp có năng lực đầu tư khai thác, quản lý.
Phó chủ tịch HĐND quận Cái Răng Vương Công Khanh cho hay địa phương xác định việc cần làm nhất với chợ nổi bây giờ là tạo điều kiện mua bán để thương hồ trụ lại. Vì thế, quận phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng cầu tàu, điểm dừng chân, bãi xe, bến hàng hoá tại chợ nổi với kinh phí gần 35 tỷ đồng, thực hiện từ nay đến năm 2025.
Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết thành phố đang chuẩn bị hội nghị tổng kết đề án phát triển chợ nổi Cái Răng. Các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực sẽ được mời góp ý, đưa ra giải pháp tốt nhất để chợ nổi giữ chân người bán, bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch.
An Bình