Ngân hàng Nhà nước chào bán 26.000 lượng vàng sáng nay và tiêu thụ gần hết, chỉ thừa 100 lượng vàng. Đơn vị mua nhiều nhất là 10.000 lượng, ít nhất cũng gấp 3 lần con số phải mua tối thiểu.
Mức giá sàn 40,75 triệu đồng được xem là cao vì cao hơn 100.000 đến 130.000 đồng so với niêm yết thu mua trên thị trường ở cùng thời điểm. Tuy nhiên, để mua được vàng đấu thầu, có đơn vị sẵn sàng đẩy giá lên tới 40,86 triệu đồng một lượng. Mức giá thấp nhất để mua thành công cũng là 40,84 triệu đồng.
Đã thành thông lệ, sau phiên đấu thầu, các doanh nghiệp lập tức thổi giá thu mua lên cao cả trăm nghìn đồng, từ quanh 40,62 lên 40,75 triệu đồng một lượng. Trải qua 24 phiên, Ngân hàng Nhà nước đã tung ra thị trường 606.100 lượng vàng, tương đuơng 23,3 tấn.
Cùng buổi sáng nay, trong phiên thảo luận về các vấn đề kinh tế xã hội trước Quốc hội, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi về việc chênh lệch giá vàng giữa trong và ngoài nước vẫn ở mức cao 5 đến 6 triệu đồng. Có đại biểu đặt câu hỏi tại sao Ngân hàng Nhà nước không đặt giá đấu thầu từng bước giảm dần so với thị trường để thu hẹp chênh lệch.
Bình luận về vấn đề này với VnExpress, ông Nguyễn Nhật Quang, Phó giám đốc Công ty Vàng Việt Nam tính toán Ngân hàng Nhà nước có thể thu lợi 100 đến 150 tỷ đồng mỗi phiên, nếu sau mỗi lần chốt đấu thầu cơ quan này thực hiện hoạt động mua vàng trên tài khoản ở nuớc ngoài. Lợi nhuận trên được tính toán sau khi cộng thêm 5 USD mỗi ounce chi phí và vàng có thể được nhập về chỉ sau 2 ngày.
"Đây có thể là nguồn lợi không nhỏ cho ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, có thể Ngân hàng Nhà nước không muốn đấu thầu giá thấp hơn thị trường vì lo ngại sẽ chỉ có lợi cho giới ngân hàng", ông bình luận. Theo ông, sau thời điểm 30/6 khi các ngân hàng tất toán xong, giá đấu thầu có thể sẽ được giảm dần.
Chiều nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ giải trình về các vấn đề thị trường vàng trước Quốc hội, bên cạnh các giải trình khác như của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương.
Thanh Bình