Vàng đang dần mất đi hào quang khi giá giảm tới hơn 10% trong ba tháng qua trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, trong khi giới đầu tư toàn cầu đang tháo chạy, người Ấn Độ vẫn sùng bái vàng đến mức sẵn sàng hy sinh nội tệ và cả nền kinh tế của mình.
Mua hàng tỷ USD vàng quốc tế đồng nghĩa với việc họ đang chuyển một núi nội tệ ra nước ngoài, làm mất cân bằng lượng tiền ra - vào đất nước và giảm giá trị đồng rupee. Việc này cũng khiến hàng nhập khẩu của Ấn Độ trở nên đắt đỏ và các doanh nghiệp càng khó khăn khi trả nợ quốc tế. Đầu tuần trước, Ngân hàng trung ương Ấn Độ cũng phải can thiệp để nâng giá đồng rupee, đang ở mức thấp chưa từng có so với USD.
Ấn Độ là nước nhập khẩu vàng lớn nhất thế giới, tiêu thụ gần một phần ba lượng cung toàn cầu mỗi năm. Vàng là hàng hóa mua ngoài lớn nhất tại đây, chỉ sau dầu mỏ. Hệ quả của việc này chính là thâm hụt tài khoản vãng lai hiện lên tới 5,4% GDP, gấp đôi mức khuyến nghị của các nhà kinh tế.
Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ P.Chidambaram cho biết: "Chúng tôi đã áp dụng chính sách kiềm chế người dân mua vàng. Việc này sẽ có tác dụng tích cực lên mọi mặt của nền kinh tế". Hồi đầu tháng, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) mở rộng đối tượng bị cấm nhập khẩu vàng. Tháng trước, chỉ các ngân hàng bị hạn chế quyền nhập khẩu, nay cả các đại lý, công ty giao dịch cũng bị cấm. Sau quyết định trên, giá vàng thế giới đã giảm xuống dưới 1.400 USD một ounce.
Thâm hụt vãng lai ở mức cao, nhưng vấn đề thật sự với Ấn Độ lại là liệu dòng tiền chảy vào nước này có đủ bù đắp lượng tiền ra hay không, theo ông Bibek Debroy, nhà kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách New Delhi (Ấn Độ). Ông cho biết: "Chính phủ đang lo lắng vì dòng vốn chảy vào bản chất đều là tiền đầu tư theo danh mục, ví dụ như cổ phiếu. Chúng có thể đến thì cũng có thể đi".
Trong khi đó, chỉ vốn đầu tư trực tiếp xây dựng nhà máy hoặc vào các dự án mạo hiểm mới mang lại lợi ích dài hạn. Nhà đầu tư cũng sẽ không rút lui vì những biến động thị trường ngắn hạn.
Đối với 1,24 tỷ người Ấn Độ, vàng không chỉ là một kênh đầu tư. Đó là khoản tiết kiệm và là công cụ bảo đảm nhất với họ. Nguyên nhân là chỉ 5% trong số 650.000 ngôi làng tại đây có chi nhánh ngân hàng. Việc này khiến người dân nắm giữ phần lớn tài sản bằng vàng xu và trang sức để đề phòng trường hợp xấu. Khi ấy, họ có thể bán lại vàng hoặc để thế chấp với những người cho vay địa phương.
Thêm vào đó, tầm quan trọng theo truyền thống cũng khiến vàng thành vật cần thiết cho đám cưới hay các dịp lễ khác. Và khi cả thị trường vốn và bất động sản đều mất hấp dẫn, giới giàu Ấn Độ lại trở thành tầng lớp mua vàng mới tại đây.
Với kinh tế Ấn Độ, ám ảnh vàng còn tồi tệ hơn đầu tư sai lầm. Không như mua cổ phiếu hay trái phiếu, đặt tiền vào vàng sẽ làm chậm lại, thay vì kích thích tăng trưởng kinh tế, do tiền mặt chảy ra khỏi hệ thống. Còn nhập khẩu dầu, dù cũng làm tăng thâm hụt thương mại, thì vẫn có tác dụng cung cấp nhiên liệu cho nhiều ngành công nghiệp.
Thâm hụt thương mại gia tăng sẽ làm mất giá nội tệ. Tại Ấn Độ, đồng rupee đã giảm giá 10% mỗi năm suốt hai thập kỷ qua. Việc này khiến nhiều người sợ hãi và rút vốn khỏi đây. Động thái này lại càng khiến Ấn Độ nhận được ít tiền đầu tư, tăng trưởng chậm, và nội tệ yếu hơn nữa.
Thùy Linh (theo Global Post)