Phiên giao dịch ngày 29/10, giá vàng chịu nhiều sức ép khi đồng USD mạnh lên, lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ tăng, nhà đầu tư "mắc kẹt" trong những đồn đoán về chương trình hỗ trợ kinh tế từ cuộc họp của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào tuần sau.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của tháng 10, giá vàng giao ngay trên thị trường New York hạ 0,82% xuống 1.784,3 USD một ounce. Tính trong tháng 10, giá vàng giao ngay tăng 1,76%.
Chỉ số đồng USD tăng 0,3% và như vậy vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với nhà đầu tư sở hữu các loại tiền tệ khác.
Chuyên gia phân tích tại Commerzbank, ông Daniel Briesemann, nhận xét: "Nhìn từ nhiều góc độ, giá vàng sẽ hưởng lợi từ việc kỳ vọng lãi suất tăng cao nhưng đà tăng của giá vàng vẫn chịu hạn chế bởi khả năng nâng lãi suất trong ngắn hạn trong tương lai xa hơn".
Fed dự kiến công bố quyết định chính sách vào buổi họp lần tới diễn ra trong hai ngày 2-3/11.
Vàng vốn được coi như công cụ ngừa lạm phát, việc giảm các chương trình kích thích kinh tế và nâng lãi suất cơ bản đồng nội tệ thường đẩy cao lợi suất trái phiếu chính phủ và đồng USD. Chính vì vậy sức hấp dẫn của giá vàng sẽ giảm đi.
Khi mà lạm phát không có dấu hiệu dịu đi, nhà đầu tư tạm thời vẫn coi vàng ở mức giá hiện tại như loại tài sản hấp dẫn, theo quản lý kinh doanh tại quỹ Silver Bullion – ông Vincent Tie.
Trong tháng 10, thị trường chứng khoán Mỹ đã có tháng tăng điểm mạnh nhất tính từ tháng 11/2020, những nỗi lo liên quan đến hai doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường bao gồm Apple và Amazon.com.
Phiên cuối cùng của tháng 10, cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ đóng cửa ở mức cao chưa từng thấy, chỉ số S&P 500 chính thức có phiên đóng cửa cao kỷ lục thứ 59 của năm.
Đóng cửa phiên, S&P 500 tăng 0,2% lên 4.605,3 điểm, chỉ số tăng 6,9% trong tháng 10 và như vậy có tháng tăng mạnh nhất tính từ tháng 11/2020. Chỉ số Nasdaq cũng có tháng tăng mạnh nhất tính từ tháng 11/2020, mức lên điểm ghi nhận 7,3%. Còn trong ngày giao dịch 29/10, chỉ số tăng 0,3% lên 15.498,3 điểm.
Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones nhích thêm 0,2% lên 35.819,5 điểm. Chỉ số tăng 5,8% trong tháng 10, tháng tăng điểm mạnh nhất tính từ tháng 3/2021.
Vào ngày 29/10, cả hai công ty này cảnh báo nhà đầu tư rằng các rắc rối liên tiếp liên quan đến chuỗi cung ứng đang ảnh hưởng xấu đến hoạt động của họ. Apple cho biết nhiều vấn đề trong hoạt động sản xuất iPhone và nhiều loại sản phẩm khác sẽ gây ra nhiều khó khăn trong việc đáp ứng đủ nhu cầu điện thoại trong mùa mua sắm cuối năm.
Amazon công bố doanh thu quý III thấp hơn kỳ vọng của các chuyên gia. Đồng thời Amazon khẳng định rằng những khó khăn trên thị trường lao động và chuỗi cung ứng sẽ gây ra nhiều sức ép lên lợi nhuận kinh doanh quý IV.
Đã nhiều tháng nay, nhà đầu tư rất lo lắng về rủi ro gây gián đoạn hoạt động kinh tế và đã cố gắng tính toán về tác động của lạm phát dai dẳng, tình trạng thiếu lao động và sự trì trệ của ngành vận tải toàn cầu lên các thị trường toàn cầu.
Dù hai doanh nghiệp lớn trên sàn chứng khoán đưa ra thông tin tiêu cực, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn tăng điểm. Bất chấp những lo lắng, nhiều chuyên gia quản lý quỹ và chiến lược thị trường cho biết họ cảm thấy hài lòng với kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp Mỹ đến hiện tại và cũng bởi chưa có tài sản nào ngoài cổ phiếu có thể mang lại lợi suất tốt hơn.
Việc thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong tháng 10 cho thấy sự đảo chiều ngoạn mục của thị trường so với tháng 9, khi đó, thị trường chứng khoán giảm điểm bởi hàng loạt nỗi lo về lạm phát, thị trường bất động sản. Đến nay, khoảng 82% doanh nghiệp thuộc S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh cao vượt kỳ vọng của các chuyên gia, theo tính toán của FactSet.
Diệu Thanh (Theo Reuters, WSJ)