Tác phẩm mới của Văn Thành Lê bắt đầu bằng hành trình về quê nội nghỉ hè của cậu bé thành thị tên Thành. Làng quê, với trẻ con thành phố luôn có một sức hấp dẫn đặc biệt. Sự xa cách, lạ lẫm của một vùng đất tạo nên sức hút cho cậu bé.
Thành may mắn vì có bố sinh ra từ làng. Những lời kể, ký ức về làng quê từ bố ngấm sang cậu. Những ký ức là hành trang để cậu bé mang theo khi trở về. Hành trang ấy tiếp tục được làm đầy thêm từ tình cảm của ông bà, cô Lâm, bạn bè, người làng và cuộc sống ấm áp, chan hòa nơi ấy.
Theo chân Thành, người đọc lần lượt ghé qua nhiều ngóc ngách cuộc sống làng quê Bắc Trung Bộ. Qua góc nhìn của con trẻ vừa tỉ mỉ vừa mộng mơ, làng hiện ra “lọt thỏm giữa những quả đồi. Đa số thấp đều đều như cái bát úp”. Rồi “hai bên đường là cánh đồng lúa vừa gặt xong, vẫn còn vương hơi lúa chín. Tớ gọi là con đường thơm". Kế đó, cơ man nào vườn chè, vườn mía, ao cá, bèo Tây, bù nhìn rơm... Người đọc cũng sẽ bắt gặp một ngôi làng với bề dày lịch sử. Nơi có đồi Quan Bà, điểm luyện quân của nữ tướng thời chống giặc Nguyên Mông. Ngòi bút sinh động, giàu cảm xúc của Văn Thành Lê giúp bạn đọc nhỏ tuổi tiếp cận nhẹ nhàng với nét đẹp văn hóa truyền thống làng.
Thử theo cậu bé Thành và bà ra chợ, cái chợ quê “họp một ngày nghỉ một ngày”, đến với hàng bánh cuốn với nồi tráng bánh bốc hơi nghi ngút, những cái bánh đa “dày, nhiều vừng và giòn rộm”. Ai mà không ao ước được kéo ghế ngồi xuống, nếm thử vài miếng bánh cuốn “vừa mềm vừa dẻo, cắn vào tan mịn theo đầu lưỡi” vì làm từ “nguyên chất bột gạo”, cắn miếng chả ngon yên tâm vì “thịt lợn không nuôi bằng thức ăn tăng trọng". Rồi văn hóa chào hỏi nhau từ nhà ra ngõ, ra tận chợ mà người phố giờ ít làm vì chỉ nhìn nhau qua khẩu trang và các lớp kính.
Sánh vai cùng Thành là "biệt đội" trẻ làng gồm Lê thủ lĩnh, Văn nói lắp, Tuyết đen, Điệp điệu sẽ dắt bạn đọc vào một tháng nghỉ hè đáng nhớ. Giữa trận ốm, Thành vẫn cố tỏ ra thật khỏe để không bị mẹ bắt về nhà. Kết thúc kỳ nghỉ, ngồi trên xe rời quê, cậu bé chỉ nghĩ về ngày được trở lại. Làng quê không chỉ “tuyệt cú mèo” mà còn trở thành nỗi nhớ, mơ ước của cậu bé thành phố.
Văn Thành Lê tên thật là Lê Văn Thành, sinh năm 1986 tại Thanh Hóa. Anh tốt nghiệp Khoa Sinh học, Đại học Sư phạm Huế, 2008. Từ 2008 - 2012, anh dạy học tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ 2012 - 2016: anh là biên tập viên tạp chí Văn nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ 2016 đến nay: công tác tại NXB Kim Đồng (chi nhánh TP HCM) Tác giả có nhiều sách đã xuất bản gồm: Hình như là tình yêu (tập truyện, NXB Kim Đồng, 2008), Con gái tuổi Dần (tập truyện, NXB Trẻ, 2009 - tái bản 2010), Trạm điện thoại ở thiên đường (tập truyện, NXB Kim Đồng, 2011), Ông mặt trời và mùi hương của mẹ (truyện vừa thiếu nhi, NXB Trẻ, 2011), Biết tới khi nào mưa thôi rơi (tập truyện, NXB Thời Đại, 2012 - NXB Văn học tái bản, 2015), Không biết đâu mà lần (truyện dài, NXB Trẻ 2014 - tái bản 2015), Châu lục thứ 7 (tập truyện, NXB Kim Đồng, 2014), Ngày xưa chưa xa (tản văn và thơ, NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2015)... Văn Thành Lê từng đoạt các giải thưởng như: giải ba cuộc thi thơ Báo Mực Tím, 2008, giải nhì cuộc thi truyện ngắn Báo Phụ nữ TP. HCM, 2009, hai lần đoạt giải thưởng thơ Bút Mới, báo Tuổi Trẻ, 2010 & 2012, giải nhì cuộc thi truyện ngắn Văn học trẻ, Tạp chí Xứ Thanh, 2011, Tặng thưởng tác phẩm hay (về truyện ngắn), Tạp chí Nhà văn, 2011, giải Tư cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi, NXB Kim Đồng - Hội Nhà văn Đan Mạch, 2015... |
Ninh Thanh