Chương trình mô phỏng Microsoft đưa mẫu máy bay lịch sử hồi sinh trong bầu trời ảo, CNN hôm 2/3 đưa tin. Tất cả tiền thu được từ chương trình sẽ được gửi cho công ty Antonov để xây dựng lại máy bay thực. Chương trình này từng được nâng cấp vào năm 2020 với khung cảnh siêu thực, kết hợp giữa kỹ thuật số và ảnh vệ tinh.
Trong chương trình, các phi công có thể khám phá thế giới, bay qua 1,5 tỷ tòa nhà, 2 triệu thành phố và dừng ở hơn 37.000 sân bay. Chương trình cũng sử dụng dữ liệu thời tiết theo thời gian thực bao gồm tốc độ và hướng gió, nhiệt độ, sấm sét, độ ẩm và lượng mưa. Các hướng dẫn sử dụng thiết bị cá nhân hóa giúp phi công kiểm tra kỹ năng với nhiều máy bay từ máy bay hạng nhẹ tới máy bay phản lực thương mại.
Còn có tên Mriya ("giấc mơ" trong tiếng Ukraine), mẫu máy bay 6 động cơ dài 84 m được sản xuất vào thập niên 1980 để chở tàu con thoi Liên Xô và là máy bay duy nhất loại này chế tạo hoàn thiện. Vai trò tiếp theo của Antonov AN-225 sau khi Liên Xô tan rã là vận tải cơ lớn nhất thế giới với sức chứa gấp đôi máy bay phản lực Boeing 747. Chiếc máy bay có sải cánh 88,4 m, dài nhất trong số bất kỳ máy bay nào đang hoạt động. Với trọng lượng tải tối đa 250 tấn, đây cũng là máy bay nặng nhất từng được sản xuất.
Antonov AN-225 bị phá hủy tại căn cứ ở Hostomel, gần Kiev, vào tháng 2/2022, nhưng tháng 11 năm ngoái, các nhà sản xuất xác nhận dự án tái xây dựng chiếc máy bay bắt đầu. Công ty Antonov ước tính họ sẽ cần hơn 532 triệu USD để đưa phương tiện cất cánh lần nữa.
"Quá trình xây dựng lại ‘Mriya’ được xem như một dự án quốc tế với sự tham gia của các doanh nghiệp hàng không ở nhiều nước khác nhau trên thế giới", công ty Antonov cho biết. "Chúng tôi đang cân nhắc thu hút vốn đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau và cân nhắc đề xuất tham gia dự án của nhiều tổ chức".
An Khang (Theo CNN)