Vận tải cơ hạng nặng An-124 mang mã hiệu RA-82042 gặp sự cố chỉ vài phút sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế Novosibirsk Tolmachevo, miền nam Nga, hôm 13/11. Phi cơ chở theo 14 người, thuộc biên chế hãng vận tải dân dụng Volga-Dnepr và đang trên đường tới thủ đô Vienna của Áo.
Dữ liệu theo dõi hành trình cho thấy máy bay mất tín hiệu định vị khi đang lấy độ cao, chỉ vài phút sau khi rời đường băng. Tổ lái quyết định hạ cánh khẩn cấp và tiếp đất an toàn, nhưng dường như không thể sử dụng các biện pháp hãm đà như phanh gió và đảo chiều lực đẩy động cơ.
Máy bay lao khỏi đường băng, bị sập càng trước và dừng cách đầu đường băng khoảng 200 m. Giới chức sân bay cho biết không ai bị thương trong sự cố và không xảy ra cháy nổ.
Hình ảnh hiện trường cho thấy động cơ số 2 của chiếc An-124 bị vỡ tung, trong khi thân máy bay và gốc cánh có nhiều lỗ thủng lớn, nhiều khả năng do mảnh văng từ động cơ. Giới chuyên gia cho rằng các mảnh vỡ đã phá hủy một phần hệ thống điện, làm bộ phát tín hiệu định vị ngừng hoạt động, trong khi hư hại ở khung thân khiến tổ lái không thể phanh hãm theo cách thông thường.
Cục Điều tra Giao thông Tây Siberia thuộc Ủy ban Điều tra Nga đang xem xét nguyên nhân dẫn đến sự cố.
Antonov An-124 "Ruslan" là vận tải cơ quân sự lớn nhất thế giới, chỉ thua kém nguyên mẫu vận tải cơ dân sự An-225 "Mriya". Mỗi chiếc dài 69 m, cao 21 m, có sải cánh 73,3 m, khối lượng rỗng 181 tấn, khối lượng cất cánh tối đa 402 tấn và có thể chở tối đa 150 tấn hàng hóa, cho phép vận chuyển gần như mọi khí tài quân sự trong biên chế Liên Xô và Nga, cũng như các loại hàng hóa quá tải.
Dòng An-124 được Liên Xô đưa vào biên chế năm 1986, có tổng cộng 55 máy bay đã được xuất xưởng. Không quân Nga biên chế 26 phi cơ, trong khi công ty dân sự Volga-Dnepr vận hành đội bay 12 chiếc phục vụ đơn hàng trong nước và quốc tế, tất cả đều có thể được huy động làm nhiệm vụ quân sự khi cần.
Vũ Anh (Theo Aviationist)