Ông Phạm Hồng Mạnh, trưởng một hãng tàu ở Hải Phòng nói đã chủ động cắt tất cả chuyến có lịch trình vào Trung Quốc, Đài Loan từ 19/1. Trước đây, hãng duy trì khoảng 12–13 tàu ghé qua Trung Quốc lấy/trả hàng, nhưng tháng 1 chỉ có 8 tàu, tháng 2 dự kiến 7 tàu. Thay vì qua Trung Quốc, hãng tàu sẽ phải vận chuyển hàng hóa qua bên thứ ba đến cảng của những quốc gia khác với mức giá cao hơn để đảm bảo hợp đồng với khách hàng, phát sinh chi phí lớn.
"Dịch bệnh khiến lượng hàng tụt giảm còn khoảng 30% so với năm ngoái, hãng tàu đối mặt với tình trạng thu không đủ chi. Các chi phí vận hành tàu, thuyền viên do hãng tự bù lỗ, thiệt hại lên đến hàng triệu USD", ông Mạnh thông tin.
Đội tàu của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) chủ yếu hoạt động trên các tuyến Đông Nam Á, Đông Bắc Á, trong đó sản lượng và doanh thu hàng hóa đến thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 30%. Dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng các tuyến khai thác đi và đến Trung Quốc mà tác động cả thị trường vận tải biển khu vực. Các doanh nghiệp Việt Nam bị khan hiếm nguồn hàng, sụt giảm tiền cước, gia tăng ngày tàu chờ hoặc chạy rỗng khiến tăng chi phí.
Dự kiến 6 tháng đầu năm, sản lượng vận tải của Vinalines sẽ giảm 10-15%, doanh thu giảm khoảng 600 tỷ đồng. Đặc biệt, nhóm tàu đóng mới bằng nguồn vốn vay VDB sẽ khó khăn trả nợ gốc và lãi vay.
Tại các cảng biển, thời gian dỡ hàng lâu hơn do thời gian kiểm tra của phía Trung Quốc kéo dài. Sản lượng chuyên chở của tàu giảm kéo theo sản lượng hàng hóa thông qua cảng cũng giảm từ 10-15%. Điển hình là cảng Quy Nhơn, trước đây, cảng này thường khai thác liên tục cả tháng thì nay chỉ còn 20 ngày. Trong tháng 1, cảng này đã thiếu hụt khoảng 100.000 tấn hàng so với kế hoạch.
Sản lượng hàng thông qua các cảng của Vinalines hàng năm đạt trên 100 triệu tấn, trong đó lượng hàng từ Trung Quốc, Đài Loan chiếm khoảng 35-40%. Tuy nhiên, do dịch bệnh, hiện các hãng tàu Trung Quốc, Đài Loan đã giảm vào các cảng của Việt Nam.
Dự kiến 6 tháng đầu năm, khối cảng biển của Vinalines giảm gần 19 triệu tấn, doanh thu ước giảm 992 tỷ đồng và giảm khoảng 224 tỷ đồng lợi nhuận. Doanh thu khối dịch vụ hàng hải giảm khoảng 269 tỷ đồng và mất 10 tỷ đồng lợi nhuận.
Theo Vinalines, các doanh nghiệp sẽ phải cơ cấu lại các nguồn lực, tiết giảm chi phí, đẩy mạnh tìm thị trường để vận chuyển hàng hóa ít bị ảnh hưởng như hàng đi châu Âu, các nước Đông Nam Á. Đồng thời, doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, nguồn hàng.
Vinalines cũng kiến nghị Bộ Công Thương làm việc với các hiệp hội và các chủ hàng Trung Quốc để kêu gọi sử dụng dịch vụ vận tải biển thay vì đường bộ đang bị đóng cửa.