Phạm Văn Quyến "mất dạng" kể từ sau khi có những thông tin cho rằng anh tuyên bố chia tay bóng đá. Đây là hệ quả của chuỗi sự việc xung quanh nghi án dàn xếp và cá độ ở The Vissai Ninh Bình - đội bóng chủ quản của Văn Quyến, hồi tháng 4 vừa qua.
Việc tiền đạo sinh năm 1984 có lại nhúng chàm hay không chưa được cơ quan điều tra khẳng định, nhưng việc bị gọi lên trụ sở công an rồi không được điền tên vào danh sách sang Myanmar thi đấu trận cuối cùng vòng bảng AFC Cup khiến Quyến vùng vằng và có ý muốn thanh lý hợp đồng với Ninh Bình. Kể từ đó, "tung tích" của chân sút xứ Nghệ trở nên bí hiểm. Anh từ chối mọi cuộc liên lạc từ phóng viên hoặc bạn bè.
Tuy nhiên, hôm 29/4 vừa qua Quả bóng Vàng Việt Nam năm 2003 bất ngờ xuất hiện, với bộ dạng bảnh bao và rạng rỡ. Anh đến quán cafe mới mở của Lâm Tấn ở Vinh, vừa để chúc mừng công việc làm ăn của người bạn cũ vừa đón sinh nhật lần thứ 30.
Cũng như Văn Quyến, Văn Vinh, Ánh Cường, Như Thuật... Lâm Tấn nổi lên từ vòng chung kết U16 châu Á năm 2000 - nơi chủ nhà Việt Nam gây ấn tượng mạnh khi đánh bại đối thủ Trung Quốc trên đường vào đến bán kết. Cựu hậu vệ xứ Nghệ khi đó gây ấn tượng với khả năng công thủ toàn diện.
Từ bàn đạp tại giải U16 châu Á, Lâm Tấn được vào đội một của Sông Lam Nghệ An năm 2001 rồi lên tuyển U23 dự SEA Games 2003. Con đường sự nghiệp mở rộng thì Lâm Tấn liên tục dính chấn thương, khiến anh buộc phải giã từ sân cỏ năm 2010. Bốn năm sau khi quyết định treo giày, Lâm Tấn cho biết anh "vẫn chưa hết buồn" khi phải từ bỏ bóng đá chuyên nghiệp giữa độ chín của sự nghiệp.
Trở về quê nhà, Lâm Tấn dồn niềm vui vào đội bóng đá nghiệp dư Gia đình BB, trong cả vai trò huấn luyện lẫn cầu thủ. Chính người đứng đầu CLB đã mời Lâm Tấn góp vốn cổ phần khai trương quán café tại Nguyễn Văn Cừ, TP Vinh hồi đầu tháng 4. Đây trở thành nơi anh và những bạn bè cũ như Văn Quyến giao lưu, trao đổi về bóng đá trong và ngoài nước.
Anh Tuấn