Trong 3 tháng đầu năm giá thuê trung bình văn phòng cho thuê tại Sài Gòn giảm 1,6% so với quý I/2015 và giảm 1,7% so với cùng kỳ. Hiện giá thuê hạng B, A lần lượt dừng ở mức 19,1-35,1 USD mỗi m2/tháng. Giá thuê cao ốc hạng A bị tụt 3,4% do sắp có tòa nhà mới gia nhập thị trường khiến các chủ toà nhà có xu hướng giảm giá thuê để lấp đầy diện tích trống. Hiện diện tích thực thuê của văn phòng hạng A giảm 31,7% còn hạng B giảm 20,7%.
Thị trường bán lẻ có khởi đầu tốt hơn văn phòng trong quý I/2015. Giá thuê mặt bằng bán lẻ bình quân tăng nhẹ ở cả hai khu vực trung tâm và ngoài trung tâm nhờ vào tỷ lệ lấp đầy được cải thiện trở lại, giữ ở mức 75-80%. Hiện giá thuê trung bình khối đế bán lẻ tại TP HCM đạt 15,3 USD mỗi m2 một tháng, tăng 2,2% so với quý trước trong khi trung tâm thương mại tổng hợp có giá 44,7 USD, tăng 1,9%.
Đầu năm giá thuê mặt bằng bán lẻ khởi sắc do các nhà bán lẻ trong và ngoài nước đều hoạt động tích cực. Vincom Retail mở rộng chuỗi Vinmart +, bao gồm các siêu thị nhỏ và cửa hàng tiện lợi, VinFashion và tiếp tục lên kế hoạch triển khai hai thương hiệu mới VinPro (cửa hàng điện tử) và VinDS (trung tâm thương mại tổng hợp) trong năm 2015.
Ở khối ngoại, Tập đoàn Aeon (Nhật) và hai nhà bán lẻ khác đến từ Thái Lan (BJC và Central Group) cũng rầm rộ mở rộng thông qua hợp tác với các nhà bán lẻ trong nước. Cụ thể, tập đoàn Aeon đã mua 30% cổ phần của Fivimart và 49% của Citimart để quảng bá sản phẩm và củng cố, mở rộng hệ thống phân phối của họ. BJC mua Family Mart và đặt mục tiêu mở rộng lên đến 300 cửa hàng vào năm 2018, Central Group mua lại 49% cổ phần của Trung tâm điện máy Nguyễn Kim – chuỗi cửa hàng điện máy của Việt Nam.
Trưởng Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển của CBRE Việt Nam, Dương Thùy Dung cho rằng giá thuê mặt bằng bán lẻ tại TP HCM đã thoát đáy. Bà Dung đánh giá dù triển vọng của loại hình thương mại truyền thống vẫn khá lạc quan, các nhà quản lý trung tâm thương mại cần phải lưu ý tới những cạnh tranh đến từ loại hình thương mại trực tuyến.
Vũ Lê