Theo báo cáo diễn biến thị trường văn phòng cho thuê TP HCM do Savills Việt Nam công bố, cuối quý I/2020, thị trường này bắt đầu bị ảnh hưởng bởi Covid-19 khi các phương án cách ly, làm việc từ xa bắt đầu phổ biến.
Phản ứng của chủ đầu tư các cao ốc văn phòng hạng C (phân khúc bình dân) có xu hướng linh hoạt hơn trong việc giảm giá thuê, tăng thêm phương án hỗ trợ đối tác. Có những trường hợp giảm đến 20% giá thuê văn phòng trong tháng 3. Diễn biến giảm giá này được kỳ vọng để cả chủ đầu tư và bên thuê có thể duy trì hoạt động một cách bền vững trong dài hạn. Trong khi đó, đa số các tòa văn phòng hạng A và B (thuộc phân khúc cao và trung cấp) chưa có động thái giảm giá thuê nào đáng kể.
Tại đô thị lớn như TP HCM, thời hạn thuê văn phòng thường kéo dài từ 3-5 năm nên việc xem xét lại các điều khoản, giá thuê hay giảm diện tích trước khi đến hạn hợp đồng là quyết định khó khăn. Song đến cuối quý I, đại dịch phát triển với tốc độ nhanh chóng đã khiến các hoạt động kinh doanh bị đình trệ trên diện rộng. Thị trường văn phòng không tránh khỏi ảnh hưởng khi các khách thuê xem xét lại nhu cầu thực tế về nhân lực, diện tích thuê và khả năng chi trả.
Ảnh hưởng của Covid-19 khiến hầu hết các công ty đã yêu cầu nhân viên luân phiên làm việc tại nhà để tuân thủ các quy định cách ly xã hội, dẫn đến nhiều văn phòng đóng cửa toàn bộ hoặc một phần. Trong quý I/2020, khoảng 18.600 doanh nghiệp trên cả nước đã tạm dừng kinh doanh, tăng 26% theo năm. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài đến quý II/2020, Bộ Lao Động đã ước tính sẽ có khoảng 2-3 triệu lao động phải nghỉ việc tạm thời.
Dịch bệnh đã tác động đến ngành hàng không, vận tải, du lịch, sản xuất, bất động sản và tài chính. Trong đó, nhóm ngành tài chính ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, thương mại và sản xuất, là những khách thuê chính tại các tòa nhà hạng A và B, chiếm hơn 60% diện tích thuê. Ngành vận tải và du lịch đã phải sa thải một lượng lớn nhân sự cũng như đóng cửa hàng loạt công ty. Các công ty dịch vụ đang phải đánh giá lại nhân sự, xem xét các biện pháp cắt giảm chi phí.
Đơn vị này đánh giá, trước ảnh hưởng của dịch bệnh, trong ngắn hạn, khách thuê sẽ chiếm ưu thế hơn khi đàm phán hợp đồng, mặc cả các điều kiện. Các khách thuê sớm ra quyết định sẽ đàm phán được các điều khoản có lợi hơn. Covid-19 đã và đang khiến tỷ lệ văn phòng trống có xu hướng gia tăng, tạo đòn bẩy cho việc giảm giá thuê.
Trong dài hạn, các doanh nghiệp có thể sẽ xem xét lại hoạt động của văn phòng và cân nhắc các khả năng như làm việc tại nhà, giảm diện tích thuê, thiết kế lại nơi làm việc linh hoạt hơn. Chủ đầu tư và khách thuê sẽ thảo luận các ưu đãi để đổi lấy thời hạn thuê dài hơn, hướng đến kết quả kinh doanh dài hạn và bền vững cho cả hai. Nếu muốn áp dụng giảm giá thuê hoặc chiết khấu, khách thuê cần xem xét cam kết thời hạn thuê dài hơn để đảm bảo công suất tòa nhà và chia sẻ rủi ro với chủ đầu tư. Hoạt động của các văn phòng đang được xem xét lại để đảm bảo duy trì hiệu suất làm việc.
Sau nửa thập niên liên tục tăng giá và hút khách, thị trường văn phòng cho thuê đang đứng trước bước ngoặc lớn dưới tác động của Covid-19. Làm việc tại nhà phát triển đang thay đổi nhu cầu văn phòng, dẫn đến tình trạng dịch chuyển nguồn cầu ra khỏi những khu vực có giá thuê quá cao. Hiện các nhà điều hành khách sạn có xu hướng chuyển đổi phòng khách sạn thành các văn phòng cho thuê. Mô hình này có thể kéo dài ít nhất 6 tháng khi các biên giới quốc gia vẫn đang bị đóng.
Savills cho hay trong 9 tháng tới, dự kiến sẽ có thêm 16 dự án mới gia nhập thị trường TP HCM, cung ứng hơn 160.000 m2. Tuy nhiên, các dự án tương lai có thể bị trì hoãn hoặc chậm tiến độ bởi ảnh hưởng của dịch bệnh vì các biện pháp cách ly có thể dẫn đến thiếu nguồn cung nguyên vật liệu và gián đoạn tiến độ xây dựng. Trong 5 năm qua, lượng tiêu thụ văn phòng bình quân thường đạt xấp xỉ 140.000 m2 mỗi năm nhưng có thể đứt mạch trong thời gian tới, dự kiến chỉ số này sẽ giảm tốc hoặc chậm lại.
Trung Tín