Nghiên cứu mới của Acclime Việt Nam và Knight Frank Việt Nam cho biết, phân khúc văn phòng chia sẻ có tổng diện tích sàn khoảng 135.500 m2, tỷ lệ lấp đầy hơn 80%.
Trong khi đó, Báo cáo thị trường bất động sản quý II tại TP HCM của CBRE cũng cho hay, sáu tháng đầu năm đánh dấu sự trở lại của văn phòng làm việc linh hoạt với tỷ lệ lấp đầy hơn 90%.
Ông Alex Crane, Giám đốc điều hành Knight Frank Việt Nam lý giải tỷ lệ lấp đầy này một phần do công suất cho thuê của thị trường văn phòng hạng A và B nói chung hiện rất cao. Phân khúc này có tỷ lệ mặt bằng trống tại TP HCM dưới 10%.
Nhu cầu về không gian làm việc linh hoạt và lượng doanh nghiệp thành lập mới sau dịch cũng góp phần gia tăng nhu cầu này. Trong nửa đầu năm, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 76.233, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2021.
"Không gian làm việc linh hoạt không chỉ là công cụ thiết yếu đối với khách thuê doanh nghiệp đang tìm kiếm mô hình công sở hybrid, mà còn đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam", ông Crane nói.
Tinh thần cộng đồng lan tỏa trong môi trường làm việc chung cũng được cho là một yếu tố góp phần phát triển phân khúc này. Theo ông Matthew Lourey, Giám đốc Điều hành Acclime Việt Nam, văn phòng linh hoạt không chỉ là nơi làm việc, mà còn là một trung tâm chú trọng đến tính cộng đồng, nơi khách thuê có thể tương tác với nhau một cách tự nhiên, tạo lập những thói quen xã hội và công việc mới, khám phá những cách thức mới để giao tiếp với nhau.
Các văn phòng chia sẻ đang tập trung ở TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng, với tổng cộng 179 địa điểm. Trước dịch, thị trường tồn tại một số không gian làm việc chung quy mô nhỏ ở phân khúc hạng C nhưng hầu như đã đóng cửa. Do đó, thị trường chỉ còn phân khúc tại văn phòng hạng A và B. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nằm trong 20 thị trường châu Á có nhiều văn phòng chia sẻ nhất.
Với nhiều tiềm năng, nhiều nhà cung cấp đã nổi lên trong lĩnh vực này và đã mở rộng nhanh chóng. Cùng với các thương hiệu địa phương lâu năm như Dreamplex, UPGen, CirCO và Toong. "Nhu cầu của thị trường vẫn cao", Đại diện Toong nhận định. Với đơn vị này, hoạt động cho thuê văn phòng vẫn là dịch vụ mang lại lợi nhuận nhiều nhất.
Cùng với nhà cung cấp không gian nội địa, các tên tuổi nước ngoài như Regus, The Executive Center, Wework đang chiếm thị phần ngày càng tăng. Giữa tháng trước, WeWork công bố doanh thu tại thị trường Việt Nam quý I/2022 tăng trưởng 40%. "Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí là thị trường năng động nhất của chúng tôi tại Đông Nam Á", ông Balder Tol, Tổng giám đốc WeWork Đông Nam Á và Australia nói.
The Sentry, một doanh nghiệp điều hành 6.300 m2 không gian làm việc chung tại trung tâm TP HCM, đánh giá các doanh nghiệp và tổ chức đang có nhu cầu đối với không gian làm việc linh hoạt, có giá thuê phải chăng, hạn chế việc thuê dài hạn.
Ông Alex Crane dự báo tinh thần khởi nghiệp của người Việt sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu không gian làm việc linh hoạt. Ngoài ra, các công ty, tập đoàn đa quốc gia không ngừng đầu tư và mở rộng kinh doanh tại thị trường Việt Nam cũng góp phần gia tăng nhu cầu này.
Với kinh nghiệm của mình, ông Ohan cho rằng các công ty lớn trong khu vực, có chi nhánh tại Việt Nam với quy mô 50 nhân viên trở xuống, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, cũng là khách hàng tiềm năng của mình.
CBRE cho biết, các đơn vị vận hành các văn phòng làm việc linh hoạt vẫn đang tích cực tìm kiếm mặt bằng mới để mở rộng diện tích kinh doanh đáp ứng nhu cầu ngày một tăng lên của khách thuê. Trong đó, 3 giao dịch mở rộng lớn được ghi nhận với tổng diện tích khoảng 3.300 m2 và thời gian khai trương dự kiến đều rơi vào quý III/2022.
Dù có triển vọng, nhưng văn phòng chia sẻ cũng có những hạn chế nhất định. Những điểm yếu chính của phân khúc này là thiếu vắng bản sắc thương hiệu của khách thuê, cơ sở vật chất dùng chung bị chiếm dụng trong giờ cao điểm, nguy cơ xao lãng, mất tập trung trong không gian mở, cũng như một số lo ngại về sự riêng tư của từng doanh nghiệp.
Dỹ Tùng