Tham dự trại sáng tác Văn Nghệ Quân Đội 2013, bên cạnh một số nhà văn đã thanh danh như Võ Thị Hảo, Phong Điệp, một số nhà văn mới đoạt giải về thể loại truyện ngắn như Nguyễn Đức Lợi, Nguyễn Đăng An, Chu Thị Minh Huệ còn có những cộng tác viên thường xuyên, tích cực của Văn Nghệ Quân Đội như các nhà văn Phạm Thuận Thành, nhà thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà; cùng với đó là một số tác giả trẻ đang sung sức hoặc mới chạm ngõ văn chương như Vũ Thanh Lịch, Nguyễn Toàn Thắng, Đinh Phương, Lý A Kiều, Cao Nguyệt Nguyên…
Trong thời gian từ 3 đến 19/5, các trại viên đã lưu lại mảnh đất địa đầu tổ quốc, đi thực tế tại Bắc Hà, Bát Xát và thị trấn Sa Pa, nghỉ ngơi và sáng tác tại Đoàn An điều dưỡng 17, Quân khu 2. Kết quả đã có 40 truyện ngắn được hoàn thành từ trại viết, tập trung chủ yếu vào hai mảng đề tài xã hội và mảng đề tài chiến tranh cách mạng và người lính.
Nhà văn Võ Thị Hảo trình làng 2 truyện ngắn: Backup of Rồng và Ở trọ buồng gan với những ám chỉ sâu sắc. Nguyễn Toàn Thắng tiếp tục với giọng văn giễu nhại, hài hước, phê phán các thói hư tật xấu con người ở hai truyện ngắn Vô cùng thương tiếc và Hiệu trưởng. Các mảng màu tối sáng khác của số phận con người được thể hiện ở các truyện Hoa bìm bìm trong mưa, Nhà ở phố ngã tư, Trước ngày xuất gia, Ngõ trăng của Tống Ngọc Hân… Bạn đọc có thể bắt gặp hơi thở của cuộc sống hiện đại trong Chim cánh cụt biết bay, Rũ bùn mà đi của Văn Thành Lê, Lưng chừng trời của Doãn Dũng, Tình khúc biệt ly, Trong ngôi nhà lớn của Phạm Thanh Huyền…
Đặc biệt, trong số các truyện ngắn hoàn thành tại trại, có một số truyện lấy bối cảnh, cảm hứng từ chính mảnh đất Sa Pa và vùng cao Tây Bắc, nơi các nhà văn dừng chân trong thời gian diễn ra trại viết như truyện ngắn của Phong Điệp, Chu Thị Minh Huệ, Lý A Kiều, Lục Mạnh Cường, Cao Nguyệt Nguyên. Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, người phụ trách trại viết, nhận xét: “Có vẻ như 'Thành phố trong sương' với tất cả sự quyến rũ của chợ tình Sa Pa, đỉnh Fansipan, thác Bạc, cùng các chàng trai cô gái Mông với tiếng khèn gọi bạn tình… đã trở thành niềm cảm hứng vô tận cho các nhà văn”.
Tàn tro của nhà văn Phong Điệp là câu chuyện về cuộc sống khốn khó của những người phụ nữ trên đỉnh dốc Mù, leo lét như những tàn tro, nhưng khát vọng sống mãnh liệt vẫn giúp họ “cố rực lên để mà nhen chút lửa”. Thông qua câu chuyện tình buồn của đôi trai gái ở một bản làng xa xôi, Trên đỉnh Chumpa của Cao Nguyệt Nguyên đã gửi thông điệp về mặt trái của cuộc sống hiện đại qua các tour du lịch, đang len lỏi làm mất đi bản sắc, xáo trộn sự yên bình nơi các bản làng xa xôi tạo nên những bi kịch trong cuộc sống của họ. Đi sâu khai thác những yếu tố “lạ” của văn hóa các dòng họ đồng bào dân tộc ít người vùng cao là điểm nhấn trong các truyện ngắn Khau Va, Những đứa gái, Thìa gỗ của Chu Thị Minh Huệ; Ốc núi, Nàng Hương của Lục Mạnh Cường; Lũ thượng nguồn của Lý A Kiều.
Trong thời gian diễn ra trại sáng tác, các nhà văn cũng được đi thăm một số đơn vị quân đội đang đóng quân trên tuyến biên giới, tìm hiểu cuộc sống của những chiến sĩ biên phòng. Trong Lễ bế mạc trại viết, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Lào Cai tặng thưởng cho truyện ngắn “Âm thanh của ký ức” của nhà văn Doãn Dũng, tác phẩm có bối cảnh những năm tháng chiến tranh biên giới phía Bắc được đánh giá như “những thước phim tư liệu chân mộc” về những người lính chiến đấu trên một điểm chốt biên giới trong cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.
Dương Tử