Nhà gần sông Nhuệ nhưng người phụ nữ 45 tuổi ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội không thả tại đó bởi cho rằng "nước sông đen đặc làm ô uế đồ thờ cúng". "Thầy dặn dù đồ cũ cũng phải chọn nơi nước trong, dòng chảy mạnh để giũ sạch bụi trần, gia chủ mới có cuộc sống xuôi chèo mát mái", Thu Hương nói.
Lần đầu, vợ chồng chị định thả bị người dân xung quanh ngăn cản. Lần sau họ đi giữa đêm. Nhìn túi nilon đựng 5 bát hương cùng bát đũa, khay trầu, ấm chén cũ chìm dần xuống nước, Thu Hương thở phào nhẹ nhõm. Với chị, những gì thuộc về tâm linh tuyệt đối phải vẹn toàn.
Ông Hoàng Thế Hùng, giám đốc Xí nghiệp thoát nước số 1, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội, cho biết đời sống người dân ngày càng được cải thiện, tình trạng người dân vứt đồ thờ cúng xuống sông hồ càng gia tăng mạnh. Hành động này gây hại cho môi trường thủ đô, thành gánh nặng của hệ thống thoát nước và tăng khối lượng công việc của công nhân.
"Công nhân dọn chưa hết chỗ này, người dân lại vứt chỗ khác. Không chỉ có bát hương, đồ thờ cúng mà còn có giường, tủ, đồ cá nhân của người đã khuất", ông Hùng nói.
Thời điểm cuối năm 2024 ít mưa, mực nước xuống thấp khiến ven bờ sông Hồng, sông Tô Lịch hay hồ Tây lộ nhiều bát hương, bàn thờ, đồ cúng dạt vào gây mất mỹ quan. Những vật dụng này bị ném xuống sông, lâu ngày va đập, vỡ vụn rồi trôi dạt vào bờ, tạo thành những "bàn chông" nguy hiểm, dễ gây thương tích nếu ai đó va phải.
"Từ tháng 11/2024 đến nay, chúng tôi đã thu gom cả nghìn bao tải đựng bát hương bằng đồng, sứ và nhiều đồ thờ cúng trôi dạt ở Hồ Tây, sông Tô Lịch", giám đốc Xí nghiệp thoát nước số 1 nói. Những đồ vật này sau khi trục vớt sẽ vận chuyển tới bãi rác Nam Sơn, huyện Sóc Sơn xử lý.
Giải thích nguyên nhân người dân vứt đồ thờ cúng cũ xuống sông hồ, chuyên gia văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, nguyên giảng viên Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, bắt nguồn từ tục bao sái bàn thờ trước Tết Nguyên đán, tức là làm sạch nơi thờ tự để ông bà tổ tiên có "nơi ở mới" tinh tươm, thanh sạch.
Theo đó, những thứ cần thay mới dịp cuối năm, chủ yếu là bát hương, lư hương, đèn dầu đã xuống cấp. Trước đây theo khoán ước của làng quê xưa, cấm mọi người vứt đồ vật cứng xuống ruộng, ao, giếng. Gốc đa, vườn chùa cũng không được phép vì đó là chỗ của ông bình vôi (được coi là thần giữ của, khi không dùng nữa người dân thường treo chúng ở gốc đa hay cạnh đền, chùa).
"Không có chỗ vứt, nhiều người đành thả xuống sông, nơi họ cho rằng không dành riêng cho ai cả", ông Vĩ lý giải. "Từ sự tiện lợi đó mà dân gian nghĩ ra cái lý ngụy biện là để cho linh hồn tiền nhân được mát mẻ".
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Đình Hải thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cũng cho biết, theo tục lệ xưa khi thay mới bàn thờ, những đồ làm bằng gỗ thường thiêu hóa cùng với chân nhang, tàn hương rồi đem đổ ở góc vườn hoặc bụi tre cuối làng - những nơi khuất nẻo, xa nhà ở. Bát hương, ấm chén, bát đĩa nếu vỡ hỏng cũng bỏ đi. Nếu có nhu cầu thay thế thì những vật dụng còn mới đem rửa sạch sẽ rồi cất trữ để dùng khi cần hoặc cho người khác, bởi đồ thờ tự và gốm sứ đều là đồ quý.
Ông Hải cho rằng, ngưỡng vọng tổ tiên là điều trân quý, cần được bảo tồn và phát huy nhưng phải văn minh, khoa học. Việc vứt đồ thờ cúng xuống sông hồ là thói quen gây ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều mặt của xã hội, khiến môi trường sống bị ô nhiễm, gây lãng phí trong khi một số đồ vật vẫn còn giá trị sử dụng.
"Về lâu dài nó sẽ làm lệch lạc nét đẹp văn hóa, tinh thần nhân văn trong phong tục, tập quán truyền thống của dân tộc", ông Hải nói.
Tú Anh ở Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội định chặt nhỏ bàn thờ cũ rồi bỏ ra thùng rác nhưng bị mẹ chồng phản đối. Bà coi hành vi của con dâu là bất hiếu, báng bổ tổ tiên, yêu cầu chỉ được phép thả xuống sông.
"Bàn thờ cũ giống như nhà cũ vậy. Ném ra thùng rác với hàng trăm nghìn thứ bẩn thỉu, sặc mùi xú uế, tổ tiên lại về quở trách", bà mẹ chồng 84 tuổi lý giải.
Tuy nhiên, chuyên gia Phạm Đình Hải cho rằng điều mẹ chồng Tú Anh nói không có cơ sở, bởi thứ đã cũ hỏng, bỏ đi là việc đương nhiên. Cha ông xưa kia thường đem thiêu hóa đồ thờ cúng cũ để "trả về với đất" hoặc chôn dưới bụi tre, góc vườn tránh mảnh vỡ có nguy cơ gây tai nạn cho con người, động vật. Nhưng thế hệ ngày nay lại đang làm ngược, gây ảnh hưởng đến môi trường.
Đồng quan điểm, Giám đốc xí nghiệp thoát nước số 1 Hoàng Thế Hùng cho rằng, thả đồ thờ cúng xuống sông tưởng là sạch sẽ, thanh tịnh nhưng cuối cùng vẫn bị thu dọn và mang ra bãi rác. Bởi vậy, người dân cần nâng cao nhận thức nhằm bảo vệ sông hồ, tránh gây ô nhiễm hay cản trở lưu thông dòng chảy.
"Mọi người phải biết gìn giữ môi sinh xanh, sạch, đẹp để chính bản thân họ và thế hệ sau này được hưởng thụ", vị giám đốc nói.
Dù mẹ chồng yêu cầu thả trôi sông bàn thờ cũ nhưng Tú Anh vẫn chặt nhỏ rồi mang ra nơi tập kết phế thải. Trước đó, người phụ nữ 33 tuổi từng chứng kiến một đội tình nguyện dọn rác ven sông Hồng mang tất cả đồ thờ cúng trục vớt được lên xe chở rác.
"Rác rồi lại trở về là rác, không nên gây thêm phiền phức cho người khác", Tú Anh nói. Cô cũng cho biết riêng đồ thờ cúng bằng sành sứ cũ sẽ rửa sạch rồi cất gọn lên tủ, khi cần mới mang ra sử dụng.
Hải Hiền- Quỳnh Nguyễn