Tại một ngôi nhà ba tầng ở quận Isogo, thành phố Yokohama, các loại hộp, đồ nội thất và túi nhựa được xếp cao tới tận trần nhà để xe. Những chiếc thùng chứa được vứt bừa bãi trên vỉa hè, cùng với đủ các loại đồ đạc như giỏ mua hàng, ghế xếp hay bạt, lấn cả sang chỗ đậu xe của hàng xóm. Đây là một trong số hơn 5.200 Gomi-yashiki (nhà rác) nằm trên khắp đất nước Nhật Bản.

Một nhà rác ở TP Yokohama. Ảnh: Julian Ryall/Yomiuri
Theo Bộ Môi trường nước này, Tokyo là nơi có nhiều nhà rác nhất với 880 trường hợp, tiếp theo là tỉnh Aichi ở miền trung với 538 trường hợp và 341 ở tỉnh Chiba, phía đông Tokyo.
Báo cáo cho thấy 661 thành phố đang gặp nhiều khó khăn trong việc khuyến khích hoặc ép buộc chủ nhà dọn dẹp rác thải.
Một bài báo trên tờ Yomiuri hôm 29/5 đã kêu gọi chính phủ thông qua đạo luật mới để giải quyết vấn đề gây đau đầu cho cả quốc gia này thay vì để cho chính quyền địa phương.
Người dân thường phàn nàn về mùi hôi phát ra từ một số khu nhà ngập trong rác, đặc biệt là trong những tháng hè nóng bức, trong khi nhiều ngôi nhà trở thành nơi sinh sản của các loại sâu bọ như gián và chuột. Tại nhiều nơi, những khu vườn không được chăm sóc có thể tràn sang các khu nhà bên cạnh. Những ngôi nhà cũ bằng gỗ nhiều khả năng sẽ sụp đổ dưới sức nặng từ lượng rác bên trong.
Nghiên cứu của Bộ đã nhận được phản hồi từ hơn 1.700 thành phố, thị trấn trong đó 101 địa phương cho biết họ có quy định yêu cầu chủ nhà giữ nhà cửa gọn gàng. 114 thành phố đã thiết lập các chương trình để giúp đỡ những người có thói quen tích trữ quá mức, bao gồm cung cấp hỗ trợ tài chính hoặc nhờ nhân viên thành phố xử lý rác thừa. Quận Adachi ở Tokyo đã thành lập một bộ phận chuyên trách trong bộ phận môi trường của mình để giải quyết vấn đề này, cùng với số điện thoại và địa chỉ email riêng để người dân có thể báo cáo các vấn đề về nhà rác hoặc xin lời khuyên.
Tuy nhiên, các chính quyền địa phương khác lý giải rằng luật về quyền của chủ sở hữu tài sản thường gây khó khăn cho họ trong việc can thiệp, ngay cả trong những trường hợp nghiêm trọng.
"Có một ngôi nhà gần nhà bố mẹ tôi có vấn đề rác thải. Sau khi cha mẹ qua đời, chỉ còn lại người con trai sống ở đó một mình và mọi thứ trở nên tồi tệ. Không ai chăm sóc nhà cửa hay khu vườn, và cây cối trở nên um tùm đến mức vượt qua hàng rào vào khu vườn của người khác", Makoto Watanabe, giáo sư khoa truyền thông tại Đại học Hokkaido Bunkyo chia sẻ.
Các nghiên cứu về những người tích trữ đồ đạc được thực hiện ở Mỹ cho thấy điều này có liên quan đến chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD). Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đã không thể xác định được nguyên nhân hay cách kiểm soát thói quen này.
Watanabe tin rằng hầu hết những ngôi nhà rác là hậu quả khi nhiều người bị ảnh hưởng bởi những thay đổi trong xã hội hay cuộc sống, và đơn giản là không thể đối phó với tình hình mới.
"Ngày càng có nhiều người cần được hỗ trợ trong cuộc sống hàng ngày vì nhiều lý do. Có thể là do họ lớn tuổi, bị cô lập, hay bị khuyết tật về thể chất hoặc tinh thần. Và khi xã hội Nhật Bản thay đổi quá nhanh trong một thời gian ngắn như vậy, những người này cảm thấy họ không còn nơi nào để dựa vào," ông nói.

Nhà rác đang khiến chính quyền nhiều địa phương Nhật Bản không biết xử lý thế nào. Ảnh: Julian Ryall/Yomiuri
Một lý do khác là ở Nhật, mọi người thường rất ít khi can thiệp vào cuộc sống của nhau, ngay cả với thành viên trong gia đình. "Vì vậy không ai nói gì, vấn đề trở nên tồi tệ hơn và rác rưởi ngày càng chồng chất", ông nói.
Theo Watanabe, việc những ngôi nhà rác trở thành vấn đề có thể là vì sự phổ biến của cụm từ "gomi-yashiki" trên các phương tiện truyền thông. "Những ngôi nhà này đã tồn tại từ trước, nhưng một khi thuật ngữ này bắt đầu được sử dụng và các phương tiện truyền thông bắt đầu đưa tin về vấn đề này, mọi người có xu hướng nhìn thấy chúng nhiều hơn", ông cho biết.
Đức Anh (Theo SCMP)