Chắc sợ tôi buồn, cháu trấn an rằng sau đó cô đã ưu tiên cho cháu làm lại bài ngay tại lớp. Cháu kể, đề bài tả chiếc đồng hồ. Thay vì tả đồng hồ bằng lời của cháu như thường lệ, cháu để chiếc đồng hồ tự mô tả về bản thân. Vì thế, bài kiểm tra bị cô giáo phê lạc đề. Lúc làm lại bài cháu chỉ thay lời của chiếc đồng hồ thành lời mô tả của cháu.
Tôi mang câu chuyện đến kể với các đồng nghiệp và phát hiện ra một kho những chuyện nực cười khác. Con trai của bạn tôi học lớp 6, khi làm bài kể về một buổi tham quan mà em thích nhất, cháu đã chọn chuyến đi nghỉ mát ở Cửa Lò. Bạn tôi ngạc nhiên lắm vì cháu chưa đi Cửa Lò bao giờ. Hỏi, cháu bảo, cô giáo đã chuẩn bị cho các con một đề cương bài mẫu là “nghỉ mát Cửa Lò” nên các con cứ thế mà rập khuôn cho an toàn - điểm cao mà khỏi phải mất công sáng tạo.
Chuyện đã qua rất lâu rồi, tôi cũng đã quên đi. Nhưng câu chuyện lùm xùm về đạo văn, đạo thơ vừa nóng lên trong dư luận khiến tôi bỗng nhớ lại.
Tôi đồ rằng, một con người ngay từ giai đoạn ấu thơ đã không quen sáng tạo, không dám vượt ra ngoài khuôn mẫu thì khi trưởng thành họ sẽ dễ trở thành người rập khuôn. Rập khuôn sẽ theo họ như một thói quen, như một điều bình thường có lý. Trong rất nhiều vụ đạo văn xảy ra xưa nay, có những trường hợp xuất phát từ hành vi cố tình sao chép nguyên xi câu chữ, tác phẩm của người khác. Cũng có những trường hợp xảy ra vì tác giả bị trùng ý tưởng một cách vô thức; hoặc coi chuyện mượn ý tưởng là điều bình thường, như cách họ vẫn làm theo văn mẫu trước đây.
Nhưng trong sáng tạo văn chương, sự vay mượn cảm xúc hay ý tưởng đều là điều tối kỵ, như nhà văn người Nga Tchekhov từng nói: "Nếu tác giả không có lối đi riêng thì người đó không bao giờ là nhà văn cả".
Tôi có khá nhiều bạn bè đang đứng lớp ở nhiều trường phổ thông. Họ hoàn toàn ý thức về mối nguy hại của việc làm theo văn mẫu. Tuy nhiên họ dường như phải lờ đi, bởi việc đánh giá chất lượng giảng dạy hiện nặng về điểm số của học trò. Bài thi học kỳ, trò làm kém cũng đồng nghĩa với việc cô dạy chưa tốt. Vậy thì, chi bằng đoán đề rồi làm sẵn dàn bài cho học sinh. Em nào chăm chỉ, học thuộc được dàn bài coi như đã đạt điểm khá. Cho dù, điểm ấy thực chất là điểm giả, điểm của cô chứ chưa chắc đã là điểm của trò. Đó là chưa kể chính giáo viên cũng có tâm lý ỷ lại vào các giáo án soạn sẵn. Văn học là tấm gương phản chiếu cuộc sống qua góc nhìn khác biệt của mỗi chủ thể với cá tính sáng tạo độc lập. Nếu mặc đồng phục cho tất cả các bài văn thì không gian dành cho những cá tính sáng tạo độc lập sẽ bị thu hẹp lại và dần dà bị mai một đi.
Vào khoảng năm 2006, khi còn tồn tại bộ đề trong ôn thi đại học và câu chuyện đề mở còn khá xa lạ, từng xảy ra câu chuyện vui mà hóa ra buồn của kỳ thi tuyển sinh năm ấy. Bài văn duy nhất đạt điểm tuyệt đối hóa ra lại giống với nhiều bài văn mẫu trong các loại sách tham khảo. Lúc bấy giờ, một giám khảo từng tham gia chấm thi đại học nhiều năm than thở: “Ngán ngẩm vì đọc quá nhiều bài na ná nhau rút ra từ bộ đề, sách văn mẫu… Không ít thí sinh giới thiệu tác giả, hoàn cảnh ra đời, xuất xứ tác phẩm sai bét, nhưng phân tích đúng với đáp án do học thuộc một số đoạn trong bộ đề nên giám khảo buộc phải cho điểm”. Cũng bởi vậy, những kỳ thi Văn với cách ra đề, đánh giá như vậy sẽ đẻ ra hàng loạt thí sinh “giỏi mà không giỏi” và ngược lại.
Bởi vậy, tôi thấy rất tâm huyết với đề xuất của một nhà giáo đang làm hiệu trưởng một trường PTTH công lập tại Hà Nội gần đây. Cô cho rằng, muốn giáo dục học sinh trung thực thì người lớn phải là tấm gương và nhà trường không chạy theo bệnh thành tích. Muốn học sinh dũng cảm rời xa văn mẫu, có lẽ thầy cô giáo trước hết phải dũng cảm vượt ra khỏi những đề thi có sẵn, cách đánh giá rập khuôn.
Đặng Huyền