Anna Sebastian Perayil, 26 tuổi, làm kế toán viên công chứng tại Ernst & Young, một trong "Big 4" ngành kế toán thế giới. 4 tháng sau khi làm việc tại cơ quan này, Anna đã qua đời. Gia đình Anna cho rằng khối lượng công việc quá tải là nguyên nhân chính khiến sức khỏe cô giảm sút, dẫn đến cái chết đột ngột hồi tháng 7. Hiện, vụ việc gây chấn động Ấn Độ khi bố mẹ cô chia sẻ câu chuyện với truyền thông.
Anna từng tâm sự với bố mẹ về khối lượng công việc quá lớn và được khuyên không nên nhận quá nhiều việc. Nhưng do nhu cầu liên tục, cô đã làm việc đến tận khuya và thậm chí cả cuối tuần, thường xuyên nhận được cuộc gọi vào đêm từ trợ lý quản lý của mình với những công việc khẩn cấp khiến cô không có nhiều thời gian để nghỉ ngơi. Khi Anna bày tỏ mối lo ngại của mình, cô được bảo rằng "Bạn có thể làm việc vào ban đêm, đó là những gì tất cả chúng tôi đều làm".
Vụ việc thương tâm này đã khơi mào cho cuộc tranh luận về văn hóa làm việc quá sức có thể dẫn đến suy giảm sức khỏe, ngay cả ở những người trẻ tuổi. Nhiều doanh nghiệp Ấn Độ đang thúc đẩy một môi trường mà sự kiệt sức được coi là sự cống hiến, không quan tâm đến tác động tàn phá của nó đối với sức khỏe tinh thần và thể chất.
Bác sĩ Satish Kumar CR, nhà tâm lý học lâm sàng tại Bệnh viện Manipal, chỉ ra rằng nhiều người thức dậy với cảm giác cấp bách, lên kế hoạch và sắp xếp cả ngày của họ trước cả khi nó bắt đầu. Họ cảm thấy như mình đang liên tục chạy đua với thời gian, cố gắng làm mọi thứ trong một ngày. Văn hóa hối hả này đã trở thành tiêu chuẩn, nơi làm nhiều việc trong một ngày được coi là hiệu quả. "Ngay cả sau khi tan sở, mọi người vẫn xem xét lại một ngày của mình và lên kế hoạch cho ngày hôm sau, điều này khiến họ có ít thời gian để thư giãn", ông nói.
Thực tế, văn hóa vội vã khuyến khích niềm tin rằng bận rộn đồng nghĩa với năng suất. Nhiều người cảm thấy họ phải rất thành công, dẫn đến thời gian làm việc dài hơn và thời hạn chặt chẽ hơn. Trớ trêu thay, điều này dẫn đến năng suất thấp hơn, vì sự mệt mỏi xuất hiện khi mọi người làm việc quá sức. Với thời gian làm việc kéo dài làm gián đoạn các bữa ăn thông thường, thói quen ăn uống thất thường cũng rất phổ biến ở nhóm người này và góp phần gây căng thẳng về thể chất.
Bác sĩ Deeyaneswar D, bác sĩ tim mạch can thiệp tại Bệnh viện Chuyên khoa Prashanth ở Chennai, chỉ ra rằng văn hóa làm việc quá sức trong bất kỳ ngành nghề nào đều có thể tác động xấu đến sức khỏe của chúng ta. "Theo thời gian, điều này có thể dẫn đến thói quen ăn uống và ngủ nghỉ kém, không có khả năng duy trì cuộc sống xã hội hoặc cá nhân lành mạnh", ông nói, thêm rằng những yếu tố này góp phần đáng kể vào các vấn đề sức khỏe tim mạch.
Bác sĩ Pradeep Haranahalli, chuyên khoa tim mạch tại Bệnh viện Manipal ở Whitefield, Bengaluru, cho biết các bệnh tim mạch liên quan đến căng thẳng đôi khi không có dấu hiệu cảnh báo rõ ràng và bất kỳ ai cũng có thể mắc phải.
Theo bác sĩ Pradeep, cơ thể thể chúng ta giải phóng các hormone như cortisol như một phản ứng tự nhiên đối với căng thẳng. Nồng độ cortisol cao kéo dài có thể làm tăng cholesterol trong máu, triglyceride, lượng đường trong máu và huyết áp - những yếu tố nguy cơ phổ biến của bệnh tim.
Ngoài ra, căng thẳng mãn tính có thể thúc đẩy sự tích tụ mảng bám trong mạch máu và làm thay đổi kiểu hình đông máu, khiến máu đặc hơn và làm tăng nguy cơ đau tim. "Ngay cả căng thẳng nhỏ cũng có thể làm co mạch máu, giảm lưu lượng máu đến cơ tim, có thể gây tổn thương nghiêm trọng nếu tim không nhận đủ oxy", ông nói.
Một số dấu hiệu cảnh báo sớm cần chú ý như mệt mỏi quá mức, giảm hứng thú với công việc, dễ cáu gắt, hung hăng và nhạy cảm gia tăng. Về mặt thể chất, các dấu hiệu như đánh trống ngực, khó chịu ở ngực không rõ nguyên nhân và chóng mặt hàng ngày không nên bỏ qua.
Chuyên gia cho rằng mặc dù mọi người làm việc quá sức vì nhiều lý do, bao gồm cả nhu cầu kinh tế, nhưng thường do họ đơn giản là không biết cách thư giãn. Điều cần thiết là phải tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân.
Các bác sĩ cho biết ngay cả 30-45 phút tập thể dục hoặc tham gia các hoạt động cá nhân có ý nghĩa mỗi ngày cũng có thể tạo ra sự khác biệt. Ngủ đủ giấc, nghỉ giải lao ngắn trong giờ làm việc để thư giãn, hình dung không gian yên tĩnh hoặc đơn giản là nhắm mắt lại cũng có thể hữu ích.
Bác sĩ Satish gợi ý rằng các công ty nên thúc đẩy môi trường làm việc lành mạnh bằng cách khuyến khích đối thoại cởi mở, cung cấp hỗ trợ sức khỏe tinh thần và tạo ra các chính sách cho phép nhân viên nghỉ ngơi khi họ cảm thấy không khỏe. "Việc giới thiệu những ngày sức khỏe tâm thần hoặc công nhận tầm quan trọng của việc nghỉ ngơi hơn là năng suất liên tục sẽ giúp thay đổi văn hóa theo hướng cân bằng hơn", ông nói.
Chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp nên ưu tiên vấn đề sức khỏe tâm thần bằng cách tạo điều kiện cho nhân viên tiếp cận với các nhà tư vấn và nuôi dưỡng văn hóa trung thực, minh bạch. Nhân viên nên cảm thấy thoải mái khi thảo luận về những thách thức của họ với bất kỳ ai trong tổ chức mà không sợ bị phán xét.
Mỹ Ý (Theo The News Minute)