Game thùng (hay còn gọi là game Arcade) là dạng trò chơi được chơi trên một loại máy giải trí sử dụng đồng xu, thường được lắp đặt ở những địa điểm kinh doanh công cộng.
Thời kỳ đỉnh cao của game thùng là vào cuối thập niên 1970 tới thập niên 1980. Tới cuối những năm 1990, danh tiếng của loại máy chơi game này đã dần sụt giảm. Tuy nhiên, nó vẫn phổ biến ở một số nước châu Á, trong đó nổi bật là Nhật Bản, với văn hóa chơi game thùng đặc sắc được lưu giữ gần như nguyên vẹn qua nhiều năm, nhưng vẫn đủ khéo léo thay đổi để thích nghi với thời gian.
![Một con phố đầy các cửa hàng game thùng tại Nhật.](https://vcdn1-sohoa.vnecdn.net/2017/03/07/arcade-5-9593-1488879168.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=hVAcNUGQk8CzHadkPRk7PA)
Một con phố đầy các cửa hàng game Arcade tại Nhật.
Theo Financial Times, thời hoàng kim của đế chế game thùng tại Nhật Bản là giữa những năm 1980, với số lượng máy chơi game lên tới 44.000. Hiện tại, Hiệp hội công nghiệp giải trí Nhật Bản cho biết còn khoảng 4.856 máy game thùng đã đăng ký trên toàn quốc. Ngoài ra còn có khoảng 9.000 địa điểm khác nhau trên khắp cả nước, mỗi cơ sở có dưới 50 máy.
Mặc dù hiện nay số cửa hàng đã ít hơn nhiều so với 10 năm trước, các trò chơi vẫn khá đa dạng và những trò chơi nổi tiếng nhất là Dissidia Final Fantasy, Pokken và KanColle.
Tâm huyết của các nhà sản xuất game thùng
Nhiều công ty phát triển game lớn tại Nhật tới nay vẫn dành sự quan tâm đặc biệt tới lĩnh vực game thùng, bất chấp sự tồn tại của các trào lưu game console, di động, eSports trên thế giới. Điển hình trong đó là Sega, Namco, Taito và Capcom. Thậm chí, các công ty này còn mở ra các trung tâm chơi game lớn, theo dạng chuỗi cửa hàng như Club Sega, Namcoland, Taito Station hay Plaza Capcom với quy mô đầu tư khá lớn.
Các hệ thống này cũng chính là xương sống của ngành công nghiệp game thùng tại Nhật và trở thành một phần trong văn hóa doanh nghiệp của các hãng game lớn trong nước. Trong khi đó ở Mỹ hay các quốc gia phương Tây, những nhà phát triển trò chơi trên hệ thông game thùng trước kia nay đã biến mất, hoặc chuyển sang phát triển trên lĩnh vực mới như console hoặc PC.
![Người trưởng thành tới quán chơi game thùng thường đông hơn trẻ em.](https://vcdn1-sohoa.vnecdn.net/2017/03/07/wtpatzec29w7trqmz8fp-5997-1488879168.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=3F1ir92NEEJM-CuJwu3Rtg)
Người trưởng thành tới quán chơi game thùng thường đông hơn trẻ em.
Tại Osaka và Tokyo, các cửa hàng game thùng thường nằm gần các ga tàu lớn. Với phong cách làm việc và đặc trưng riêng về giao thông tại Nhật, mọi người dễ dàng ghé qua các cửa hàng game để chơi vài trận để giải trí trước khi về nhà, hoặc chờ đến giờ tàu.
Còn tại khu vực ngoại ô và nông thôn, hệ thống cửa hàng nằm trong các trung tâm mua sắm lớn. Các trung tâm này được thiết kế theo phong cách hiện đại, rộng rãi và sáng sủa nhằm thu hút các gia đình có trẻ nhỏ tới vui chơi, mua sắm. Với những khách hàng này, các trò chơi thường khá đơn giản như đua xe, đánh trống, gắp thú... phù hợp với cả trẻ con lẫn phụ huynh của chúng. Bên cạnh đó là một số trò chơi đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn cho người trưởng thành.
Thanh thiếu niên Nhật say sưa chơi game thùng.
Theo đuổi xu hướng và những trải nghiệm mới
Không chỉ theo đuổi xu hướng liên quan đến những loại trò chơi phổ biến, các cửa hàng game thùng tại Nhật cũng rất chú ý tới khách hàng của mình. Từ năm 2010, nhiều báo cáo chuyên ngành cho thấy số lượng khách hàng lớn tuổi tới trung tâm trò chơi ngày càng thường xuyên. Một số cửa hàng đã linh hoạt cung cấp dịch vụ cho mượn chăn với khách hàng thường xuyên. Số khác thì hạ thấp âm thanh của một số trò chơi nhất định, trong khi tăng âm lượng của các game khác, nhằm hướng tới người chơi cao tuổi. Các trang thiết bị như ghế ngồi cũng được thay thế bằng loại có da mềm mại hơn. Đây chỉ là một trong nhiều ví dụ về sự phản hồi của các cửa hàng game tại Nhật trước những thay đổi nhỏ của thị trường.
![Các máy game thùng ngày càng hiện đại, đẹp mắt và đa dạng về lối chơi.](https://vcdn1-sohoa.vnecdn.net/2017/03/07/maxresdefault-4446-1488879168.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=u6MDgPJnMBiaXBCxT4lLsQ)
Các máy game thùng ngày càng hiện đại, đẹp mắt và đa dạng về lối chơi.
Trong khi các máy game thùng ở nhiều nơi vẫn giữ nguyên phong cách thiết kế truyền thống, với số lượng hạn chế về phong cách chơi, các phòng game Arcade tại Nhật lại không ngừng đổi mới. Những chủ cửa hàng kinh doanh luôn hướng tới mục đích mang tới trải nghiệm tốt nhất và mới mẻ nhất cho khách hàng của mình, trong cuộc chiến cạnh tranh không khoan nhượng. Đây cũng là chiến lược được duy trì một cách liên tục xuyên suốt lịch sử của game thùng Nhật Bản. Đơn giản như trò gắp thú truyền thống, giờ đây cũng có muôn kiểu máy chơi khác nhau phục vụ các đối tượng có độ tuổi và sở thích riêng. Khái niệm game thùng giờ cũng không còn gắn liền với những đồng xu nữa, mà đã có những loại thẻ, chip chơi game riêng phong phú.
Về trang trí, các trung tâm chơi game tại Nhật cũng luôn cập nhật các xu hướng mới, ngày càng hiện đại và trẻ trung. Nhiều cửa hàng được thiết kế với chủ đề riêng rất độc đáo. Các trò chơi cũng dần có xu hướng thay đổi nội dung, nhưng vẫn tập trung vào ba mảng lớn là game bắn súng, chiến đấu và âm nhạc. Bên cạnh yếu tố vui nhộn, đồ họa của các máy game thùng cũng dần được chú trong và cập nhật liên tục theo trào lưu chung của thị trường.
Tổ hợp game Arcade đồ sộ tại Kawasaki, Nhật Bản.