Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch vừa công bố thêm 7 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Có 4 lễ hội truyền thống được công nhận gồm: Nghinh Ông (xã Bình Thắng, Bình Đại, Bến Tre); nữ tướng Lê Chân (Lê Chân, TP Hải Phòng); Cầu Ngư (còn gọi là lễ hội Cá Ông) của ngư dân TP Đà Nẵng và lễ hội Trương Định (xã Gia Thuận, Gò Công Đông, Tiền Giang).
Nghề thủ công tre trúc Xuân Lai (xã Xuân Lai, Gia Bình, Bắc Ninh); chữ viết cổ của người Thái (Sơn La); đặc biệt văn hoá chợ nổi Cái Răng (TP Cần Thơ) cũng nằm trong danh sách di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
![van-hoa-cho-noi-cai-rang-la-di-san-phi-vat-the-quoc-gia](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2016/03/15/cho-noi-cai-rang-2-6926-1458006042.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=xO6KQKdMplAUgB83ioFaww)
Văn hoá Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) vừa lọt vào danh sách Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Ảnh: An Nhơn.
Cái Răng là một trong số chợ nổi lớn và sầm uất nhất đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi ngày nơi đây có gần 400 ghe, tàu của người dân khắp nơi đến buôn bán kinh doanh, nhất là các mặt hàng nông sản, đặc sản miền Tây. Khu chợ gắn bó với văn hoá sông nước này là một trong những điểm du lịch nổi tiếng.
Trước đó ngày 19/1, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành quyết định bổ sung 15 di sản vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Trong danh sách này, có nhiều lễ hội, nghề truyền thống của các dân tộc như: lễ hội cầu năm mới, cầu mùa của người Dao (Bắc Kạn); đền Hát Môn, đền Và (Hà Nội); nghề gốm Phù Lãng, chạm khắc Phù Khê, gò đồng Đại Bái (Bắc Ninh)... Hội pháo làng Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) cũng được ghi tên trong danh sách. |
Quỳnh Trang