Van Gaal là một HLV rất uy tín ở châu Âu, không chỉ ở khả năng cầm quân, phát hiện, bồi dưỡng cầu thủ trẻ, mà còn ở việc ông truyền dạy kinh nghiệm, góp phần đào tạo nên một thế hệ HLV trẻ tài ba cho bóng đá châu Âu.
Ngoài Mourinho, cả Pep Guardiola, Luis Enrique hay Ronald Koeman - những HLV tiếng tăm hiện nay đều từng được Van Gaal chỉ giáo. Tuy nhiên, Mourinho - đối thủ mà Van Gaal sẽ chạm trán trong trận Man Utd - Chelsea ở vòng chín Ngoại hạng Anh, chủ nhật tuần này 26/10 - là một trường hợp đặc biệt.
Ma mới, ma cũ
Năm 1997, Louis van Gaal đến Barca kế thừa ghế HLV trưởng mà vị tiền nhiệm Bobby Robson để lại. Lúc bấy giờ, Van Gaal đã là một người có tiếng tăm sau sáu năm làm việc thành công ở Ajax Amsterdam. Tuy nhiên, Mourinho mới là người làm việc ở Barca trước. Từ năm 1996, nhân vật người Bồ Đào Nha, khi ấy mới 33 tuổi, đã bắt đầu làm thông dịch viên ở Nou Camp.
Chính Bobby Robson, sau khi từ nhiệm, đã tiến cử Mourinho với Van Gaal và đề nghị người kế nhiệm trao cho "gã cừ khôi này" một chân trong ban huấn luyện. HLV người Hà Lan chỉ đồng ý một cách miễn cưỡng và xem Mourinho như là “trợ lý thứ ba”. Tuy nhiên, chức danh kiểu cố được thêm vào ấy lại là viên đá đầu tiên giúp cho Mourinho - một anh lính mới chân ướt chân ráo vào nghề huấn luyện - gầy dựng sự nghiệp huy hoàng về sau. Sau này, khi đã gặt hái nhiều vinh quang, Mourinho từng hơn một lần thừa nhận Van Gaal là một trong số ít những người giúp ông thành tài.
Hè năm nay 2014, Van Gaal tiếp nhận chiếc ghế nóng ở sân Old Trafford. Nhưng khác với 17 năm trước, Mourinho, giờ đã nổi danh khắp thế giới nhờ thành tích càn quét khắp cõi châu Âu của ông, thoải mái đón nhận những thách thức có thể đến từ Man Utd và người thầy cũ, nay là đồng nghiệp Van Gaal. "Tôi chẳng có gì phải lo lắng về việc Louis sang Anh và luôn sẵn sàng cho các trận đấu với Man Utd", HLV của Chelsea bình thản khi được hỏi về sự xuất hiện của sếp cũ. Van Gaal thì tiết lộ khi ông chấp nhận lời đề nghị từ Man Utd, Mourinho chính là người đầu tiên nhắn tin chúc mừng ông.
Sự bình thản đến mức tự tin ấy của Mourinho không hẳn xuất phát từ bản tính cao ngạo vốn có của ông. HLV 51 tuổi này đã quá quen với những khán đài sôi động, không khí cuồng nhiệt, lối chơi kiểu Anglo-Saxons mạnh mẽ và cả sự ồn ào của báo chí nơi đây. Mourinho chẳng bao giờ ta thán về những cơn mưa tầm tã ở xứ sương mù trong khi Van Gaal giờ mới bắt đầu cảm thấy cái lạnh của mùa đông nước Anh đang ập đến.
Qua tám vòng đầu tiên mùa này, Chelsea của Mourinho thi đấu mạnh mẽ và chễm chệ trên ngôi đầu và là đội duy nhất đang bất bại tại Ngoại hạng Anh. Còn Man Utd thì khổ sở với lối chơi chưa được định hình. Dù có sự chuẩn bị rất tốt trước mùa giải, kinh nghiệm phong phú vẫn không đủ để Van Gaal giấu được những bối rối của một “ma mới”. Và ông sẽ phải mang theo sự bối rối ấy khi bước vào trận đại chiến với người học trò cũ cuối tuần này.
Cậu học trò đặc biệt
Van Gaal và Mourinho từng một lần chạm trán khi Bayern Munich đụng độ Inter Milan ở chung kết Champions League 2010. Khi ấy, Inter dưới trướng Mourinho hạ gục “Hùm xám xứ Bavaria” nhờ hai bàn thắng của Diego Milito trong một trận đấu in đậm dấu ấn chiến thuật. Sau trận đấu này, báo chí thế giới liên tục ca ngợi, xem Mourinho là người tiếp bước Van Gaal trở thành “vị vua mới của châu Âu”.
Chiến thắng của Mourinho năm ấy rất thuyết phục. Dù hạ gục cả Chelsea và đội quân hùng mạnh Barca trên đường vào chung kết, Mourinho vẫn chỉ đạo các học trò chơi phản công. Inter nhường quyền kiểm soát bóng nhiều hơn cho Bayern, nhưng các cầu thủ tấn công của họ thường xuyên áp sát nhanh, không cho phép đối thủ thoải mái chuyền bóng trong không gian rộng. Đây có lẽ là hình ảnh đối lập điển hình của hai triết lý bóng đá đang tồn tại trong hai bộ óc tài ba bậc nhất của bóng đá thế giới hiện nay. Và nó hoàn toàn có thể một lần nữa tái hiện trên sân Old Trafford cuối tuần này.
Tư tưởng của Van Gaal và hầu hết các học trò của ông là một thứ bóng đá chủ động với khả năng kiểm soát bóng là bản lề và coi trọng những đường chuyền ngắn. Mourinho thì không thích thế. Các học trò dưới tay ông thầy người Bồ Đào Nha đều chơi bóng rất lì lợm, sẵn sàng thu mình "gầm gừ thủ thế" rồi bất ngờ xô tới. Van Gaal đề cao các cầu thủ chạy cánh tốc độ với khả năng tạt bóng, còn Mourinho ưa thích hàng tiền vệ cơ bắp với hai cầu thủ đá trụ chơi rất sâu. Tương tự, Van Gaal ưa thích mẫu trung phong giỏi rình rập, dứt điểm một chạm tốt, trong khi Mourinho thích những “con quái vật” kiểu như Drogba hay Diego Costa. Van Gaal thích chất nghệ sĩ, Mourinho ngược lại, thích những chiến binh.
Mourinho rất biết đầu tư cho hàng thủ. Đó luôn là ưu tiên số một của ông. Trong khi đó, quan điểm của Van Gaal được thể hiện qua cách ông mua sắm trong kỳ chuyển nhượng vừa qua - không một trung vệ đúng nghĩa nào được mang về dù Man Utd vừa chia tay bộ đôi rường cột Vidic, Ferdinand. Van Gaal đã một lần nếm trải ngón đòn từ “cậu học trò đặc biệt”, chắc hẳn ông vẫn nhớ tâm trạng đội nhà cầm bóng nhưng luôn nơm nớp sợ bị phản công. Đứng trước độc chiêu này, liệu chiến lược gia lão làng người Hà Lan có tìm ra cách khắc chế?
Câu trả lời sẽ có trên sân Old Trafford lúc 23h tối chủ nhật (giờ Hà Nội) 26/10 tuần này.
Di Khánh