Ký ức đồng quê với ruộng lúa, cánh cò, mái đình là khát vọng cả cuộc đời sáng tác của chị.
Văn Dương Thành được mọi người biết đến như một họa sĩ của trường phái tranh trừu tượng. Song tranh chị không hề khó hiểu mà rất gần gũi với người xem bởi những hoài niệm khá mạch lạc về cảnh sắc làng quê. Với chị, đó là những mảng ký ức sâu đậm nhất mà chị gửi gắm trong từng bức tranh.
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng thời gian chiến tranh nổ ra, những ngày tháng đi tản cư ở những làng quê lại chiếm trọn tuổi thơ của chị. Bố mẹ đi công tác xa, anh chị em mỗi người học một nơi, bé Thành được gửi gắm cho các gia đình nông dân mỗi khi bố mẹ đến những vùng đất mới. Cũng có lẽ bởi vậy mà Thành quen tính tự lập từ nhỏ, tự học cách ăn uống, sinh hoạt, làm việc với gia đình mình ở cùng. Ngày ngày đi chăn trâu, cắt cỏ, tới bữa lại hì hụi đun rơm rạ nấu cơm tới cay xè mắt. Bữa ăn đạm bạc với rau muống luộc, quả cà, con tép nhỏ nhưng thấy ngon vô cùng! Lúc nào đi đâu Thành cũng mang theo một cây chì nhỏ, không thì một que tre nhặt ở đường làng và vẽ bất kỳ lúc nào mình thích. Khi là một mái đình cong cong cổ kính, ám đen vì đạn bom, mái đã sụt quá nửa và tường vôi loang lổ rêu phong; khi là làn khói lam chiều bay lưng chừng bờ giậu nhà hàng xóm; hay lúc ra bờ sông gặp mấy chị thôn nữ đang nô đùa, tắm gội trong ráng chiều rực đỏ...
Bé Thành ngày xưa, nay đã thành họa sĩ nổi tiếng được bạn bè trong và ngoài nước biết đến, nhưng thói quen ngày nhỏ thì vẫn còn giữ mãi. Chị vẽ bất cứ lúc nào, khi cảm xúc chợt đến và chị gọi đó là "những trang nhật ký nhỏ trên đường đi".
Họa sĩ Văn Dương Thành. |
Văn Dương Thành luôn tâm sự: “Thành công lớn nhất trong tranh tôi là kết hợp được văn hóa dân gian với nghệ thuật trừu tượng". Mặc dù đã đặt chân trên nhiều mảnh đất trời Âu, chọn con đường nghệ thuật hội họa trừu tượng, nhưng tâm hồn Việt và làng quê Việt thì luôn ở lại trong chị và trở thành nguồn sinh lực, cảm xúc mãnh liệt nhất trong từng đường cọ.
Chính vì lẽ ấy, người xem có thể thấy sự gặp gỡ của nghệ thuật châu Âu và nghệ thuật phương Đông trong mỗi bức tranh của chị. Đó là một làng Chiềng với mái rạ, rặng chuối, vại nước... trong một buổi chiều vàng rực - một khung cảnh rất bình thường, giản dị nhưng vô cùng gợi cảm, trìu mến khiến người ta dễ xúc động. Đó là hai em bé câu cá, lưng đeo giỏ đầu đội nón trong không gian đầy ảo giác: một dòng sông đỏ ối hoàng hôn khi chiều xuống với từng vệt trắng đi một nét rất nhanh, rất mạnh, tác động trực tiếp đến cảm giác của người xem...
Chắt lọc từ nghệ thuật truyền thống khi vẽ bằng kỹ thuật hiện đại phương Tây, với cách phối màu chị học được của thầy mình: danh họa Bùi Xuân Phái. Đó là sự tương phản nhưng không đối chọi, lộng lẫy nhưng hài hòa trong từng đường nét. Một vạt nắng chiều đỏ rực hắt lên cạnh mảng cỏ non xanh biếc nõn nà tạo cho Cây lúa một vẻ đẹp lung linh, quyến rũ; hay một làng chiều trong sự đối nghịch sáng tối, cảnh vật mờ ảo, như huyễn hoặc người xem trong suy tưởng... Những bức sơn dầu Hoa sen dưới ánh mặt trời, Ô Quan Chưởng trong mưa, Mùa xuân trên cánh đồng được đánh giá là những "bản nhạc không lời" đầy mê hoặc, là một mảnh tâm hồn Á Đông, đỉnh cao sự giao thoa giữa hai thế giới truyền thống và hiện đại.
Gần 30 năm sống trên đất nước Thụy Điển, xa quê mẹ, Văn Dương Thành đã mang những bức tranh thuần túy tâm hồn Việt, một cách nhìn cổ truyền phương Đông sang trời Âu, khiến những con người của xứ sở băng tuyết thêm hiểu, thêm yêu đất nước và con người Việt Nam. Và không phải ngẫu nhiên mà chị được mệnh danh là “Sứ giả của văn hóa Việt Nam tại Bắc Âu”.
Trở về Hà Nội, sống một cuộc sống êm đềm, thanh tịnh góc phố đầy kỷ niệm, ăn những món ăn dân dã vẫn luôn là mong ước lớn nhất của chị. Nhưng giờ đây chị vẫn phải tiếp tục với cuộc viễn du của mình. Và hằng ngày gửi gắm mong ước về nguồn vào mỗi bức tranh.
(Theo Nông Thôn Ngày Nay)