Tính cách ấy đã hình thành nên "thương hiệu" Vân Dung, khiến cô không lẫn với bất cứ nữ danh hài nào khác. Vì thế, khi gặp Vân Dung ngoài đời, thấy cô cứ đưa tay lên miệng cắn để che đậy vẻ lúng túng khi trò chuyện khiến người đối diện hơi ngỡ ngàng.
- Ngoài đời, trông Vân Dung không giống như ở trên sân khấu. Đâu rồi sự chua ngoa, đanh đá, lắm lời, lẳng lơ và... tinh quái nữa?
- (Cười ngượng) Đó chỉ là những vai diễn trên sân khấu thôi mà.
- Vậy thực chất chị là người thế nào?
- Tôi cho rằng, mình không phải là người hiền lành lắm. Nhưng tôi cũng không hoàn toàn giống như ở trên sân khấu.
Diễn viên Vân Dung. Ảnh: S.T. |
- Nhưng trong hầu hết vở hài mà chị diễn, chưa có vai nào gọi là hiền, dịu dàng. Đến nỗi, nhiều người cứ nghĩ ngoài đời hẳn Vân Dung ... "chua như dấm"! Chị cảm thấy sao khi nghe những lời nhận xét như vậy?
- Kỳ thực, khi nghe được những lời nhận xét như thế, tôi chỉ thấy vui, hạnh phúc vì đã thực hiện tốt vai diễn. Vì như thế ít nhiều tôi cũng đã tạo cho mình một tính cách, một "thương hiệu" để không lẫn với các nữ danh hài khác.
Còn vì sao tôi chưa bao giờ có một vai diễn chính kịch, thì tôi cũng không biết nữa. Hồi còn học tại Nhà hát Tuổi Trẻ, cứ diễn chính kịch là tôi lại bị điểm kém. Hình như, tôi sinh ra là để đóng những vai hài thôi... Nhưng có điều cũng thật buồn bởi có nhiều lúc ở ngoài đời, tôi khóc thật mà nhiều người không tin. Thậm chí họ còn phì cười, bảo tôi đang diễn... Nhưng biết làm sao được. Có lẽ số phận đã "đóng khung" cho tôi như vậy rồi.
- Vậy con người thật ngoài đời của chị như thế nào?
- Khi diễn thì không sao nhưng ngoài đời, tôi không đủ dũng cảm để nói trước một đám đông, thậm chí "cấm khẩu", đặc biệt là chuyện nghiêm túc. Vì vậy, tôi hay từ chối lời đề nghị phải đi giao lưu gặp gỡ này nọ. Người không hiểu cho tôi là "chảnh", kiêu. Còn khi rời sân khấu về nhà, tôi là người của gia đình và cũng "xắn tay áo" làm việc nhà chăm sóc cha mẹ, con cái... như rất nhiều phụ nữ khác thôi.
- Chị đã lập gia đình nhưng phải sống cảnh chồng Nam, vợ Bắc. Vợ chồng chị sắp xếp cuộc sống ra sao?
- Rất khó khăn, nhất là con lại còn nhỏ. Có nhiều lúc, con đang bị ốm nằm bệnh viện, mà mẹ thì "nhảy tưng tưng, cười cợt" trên sân khấu, ruột gan tôi cứ như có kiến bò. Diễn xong là vội vàng lao ngay vào bệnh viện ở với con suốt cả đêm. Sáng ra, lại để ông bà ngoại chăm sóc, mình về cùng đoàn tập chương trình. Nói thật, nếu không có ông bà ngoại, tôi chẳng biết phải xoay xở ra sao. Vợ chồng tôi cũng tính phải tìm cách quay về một mối, nhưng hiện giờ thì chưa được.
- Gia đình chị có ai theo nghiệp văn nghệ sĩ?
- Bố mẹ tôi đều là nghệ sĩ múa, biên đạo múa. Ông bà đi bộ đội và ở trong đoàn văn công của Quân khu I từ lúc mới 13-14 tuổi. Lúc còn nhỏ, tôi thường phải theo bố mẹ đi diễn khắp các tỉnh phía Bắc. Thời kỳ ấy đất nước mới thống nhất, cuộc sống còn nhiều khó khăn nên tôi cũng như bao đứa trẻ khác, lên rừng lấy củi, gánh nước, nấu cơm giúp bố mẹ. Hơn 10 tuổi, tôi đã theo mẹ đi hóa trang cho cô dâu trong các đám cưới và lúc 13 tuổi đã có thể tự đi trang điểm cho cô dâu một mình...
- Chị theo nghiệp diễn từ khi nào?
- Năm 1990, tôi 15 tuổi, bố mẹ đã nộp đơn xin cho tôi vào học tại Nhà hát Tuổi Trẻ. Tôi gắn bó với Nhà hát cho đến bây giờ.
- Dư luận cho rằng, hài kịch bây giờ làng nhàng, tẻ nhạt. Có nhiều vở hài quá lạm dụng khi khai thác khía cạnh gây cười bản năng. Nghe thế chị nghĩ sao?
- Buồn chứ! Nhưng biết làm sao được. Tôi mong muốn khán giả, công chúng hãy hiểu cho những diễn viên hài. Một diễn viên dù có giỏi đến đâu nếu không có một kịch bản hay cũng không thể làm nên trò trống gì. Suốt 7 năm gắn bó với "Gặp nhau cuối tuần", "Gala cười", tôi cùng chú Phạm Bằng, Tự Long, anh Quang Thắng, anh Xuân Bắc... nhiều lúc phải lục tung trong hàng trăm kịch bản từ các nơi gửi về Đài Truyền hình mới chọn được một tác phẩm tầm tầm để nhào nặn nó thành một kịch bản hài. Làm suốt trong 7 năm, tuần nào cũng phải có tác phẩm, hỏi làm sao cho hay mãi được...
(Theo Công An TP Đà Nẵng)