Sau khi xuất hiện các triệu chứng giống cúm vào ngày 14/2, Mattia đi khám tại bệnh viện ở Codogno, miền bắc Italy ba lần vào các ngày 15, 16 và 18/2, song bác sĩ cho rằng anh chỉ bị cúm thông thường và kê đơn thuốc, cho về nhà nghỉ ngơi.
Đến ngày 19/2, khi đưa chồng đi cấp cứu, vợ Mattia cho biết chồng mình từng tiếp xúc với một người bạn về từ Trung Quốc. Dù vậy, các bác sĩ tại bệnh viện này phải mất tới 36 giờ mới có kết quả xét nghiệm cho thấy Mattia nhiễm nCoV và đưa anh này vào khu cách ly.
Trong thời gian đó, rất nhiều bạn bè, người thân của Mattia đã vào viện thăm anh mà không có bất cứ đồ bảo hộ nào. Mattia đã lây virus cho tổng cộng 13 người, gồm vợ đang mang thai, hai bác sĩ, một bệnh nhân 77 tuổi và ít nhất 9 người khác chỉ trong 6 ngày. Trong đó, người phụ nữ 77 đã tử vong hôm 23/2.
Giới chức y tế Italy xác định Matia là người "siêu lây nhiễm" nCoV, nhưng không tiết lộ danh tính đầy đủ của anh này.
Đây được xem là một sai sót gây hậu quả nghiêm trọng của giới chức y tế Italy, bởi khuyến cáo khẩn cấp về dịch bệnh hồi cuối tháng 1 nêu rõ tất cả các trường hợp như Mattia phải được cách ly kịp thời khi có các triệu chứng tương tự Covid-19, dù họ chưa từng đến Trung Quốc.
Các quan chức cho hay Mattia hiện trong tình trạng nguy kịch tại một bệnh viện ở thị trấn Pavia, cách thành phố Milan hơn 30 km về phía nam. Vợ anh đang được điều trị tại bệnh viện Sacco ở Milan, với "tình trạng sức khỏe không đáng lo ngại".
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte hôm 27/2 chỉ trích bệnh viện không được nêu tên, nơi Mattia tới khám nhiều lần nhưng không bị cách ly, cho rằng bệnh viện góp phần làm lây lan virus ở Italy. Sau ca nhiễm nCoV đầu tiên xuất hiện ở vùng Lombardy và Veneto, dịch Covid-19 đã lan tới 7 khu vực khác của Italy, bao gồm cả Sicily ở miền nam nước này.
Italy bị coi là tâm dịch của châu Âu với tổng cộng 655 ca nhiễm tính đến 28/2, với 17 ca tử vong. Chính phủ nước này đã cho đóng cửa trường học, các nhà hát, bảo tàng, rạp chiếu phim trên khắp cả nước để ngăn dịch bệnh lây lan.
Mai Lâm (Theo Daily Mail)