Nghiên cứu được công bố trên Journal of Post-Acute and Long-Term Care Medicine, phù hợp với nhiều bằng chứng ủng hộ phương pháp "vận động ít còn hơn không".
Sa sút trí tuệ là tình trạng suy giảm nhận thức nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày và được coi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu mà chưa có cách chữa trị. Theo dự báo, số ca mắc sẽ tăng gấp ba vào năm 2050 khi dân số già hóa, kéo theo áp lực lớn đối với xã hội và những người chăm sóc. Riêng tại Mỹ, khoảng 7 triệu người – tương đương một phần ba dân số từ 85 tuổi trở lên – đang phải đối mặt với tình trạng này.
Với nhiều người cao tuổi, đặc biệt nhóm sức khỏe yếu, việc đáp ứng các hướng dẫn tập thể dục tiêu chuẩn là điều không dễ dàng. Tuy nhiên, nghiên cứu từ Johns Hopkins gợi mở hướng đi đơn giản hơn: chỉ cần hoạt động thể chất ở mức độ vừa phải, dù chỉ 5 phút mỗi ngày, cũng mang lại những lợi ích bảo vệ não bộ đáng kể.
Tiến sĩ Amal Wanigatunga, tác giả chính của nghiên cứu, khẳng định: "Tăng cường vận động, thậm chí ở mức tối thiểu, có thể giảm đáng kể nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ". Nghiên cứu này góp phần làm phong phú thêm bằng chứng rằng ngay cả lượng nhỏ bài tập cũng mang lại lợi ích vượt trội, đặc biệt với những rối loạn liên quan đến lão hóa.
Để thực hiện nghiên cứu, nhóm của Wanigatunga đã phân tích dữ liệu của gần 90.000 người trưởng thành từ UK Biobank – ngân hàng sinh học Anh. Người tham gia, với độ tuổi trung bình là 63 và nữ giới chiếm 56%, đeo thiết bị ở cổ tay để đo cường độ vận động một cách khách quan.
Kết quả cho thấy, trong thời gian theo dõi trung bình 4,4 năm, 735 người được chẩn đoán sa sút trí tuệ. Chỉ với 35 phút vận động vừa đến mạnh mỗi tuần – tương đương 5 phút mỗi ngày – nguy cơ giảm tới 41%. Con số này tăng lên 60% nếu thời gian tập đạt 36 phút hoặc nhiều hơn; mức tối đa 69% được ghi nhận khi tập trên 140 phút mỗi tuần (khoảng 20 phút/ngày).
Điều thú vị là hiệu quả của việc tập luyện không phụ thuộc vào thể trạng người tham gia. Ngay cả những người lớn tuổi sức khỏe yếu hoặc có hạn chế về vận động vẫn hưởng lợi đáng kể từ các bài tập nhẹ.
Các hình thức vận động như đi bộ nhanh, làm vườn, khiêu vũ, đạp xe hay bơi lội đều được liệt kê trong nhóm hoạt động thể dục cường độ vừa (MVPA). Đối với những người cao tuổi hạn chế vận động, các hoạt động đơn giản như dọn dẹp nhà cửa, đi bộ đến hộp thư, hoặc thậm chí thực hiện các bài tập tăng cường thể lực khi ngồi cũng mang lại hiệu quả tương tự.
Gia đình và người chăm sóc có thể hỗ trợ người lớn tuổi vận động nhiều hơn thông qua các chiến lược nhỏ nhưng hiệu quả: đi bộ ngắn, lớp tập luyện nhẹ nhàng hoặc vận động ngay trong thói quen thường ngày như đỗ xe xa cổng siêu thị, đi cầu thang bộ thay vì sử dụng thang máy.
Mỹ Ý (Theo StudyFinds)