Mọi người tại Willem II - CLB khởi nghiệp của Virgil Van Dijk, từng không thấy một chút tiềm năng gì ở cầu thủ này. Thời niên thiếu, bên cạnh thời gian tập luyện và thi đấu tại đội trẻ Willem II, Van Dijk còn phải đi rửa bát cho một nhà hàng nhỏ để có tiền trang trải cuộc sống. Cậu trai trẻ được mô tả là "tính tình dễ thương, nhưng thỉnh thoảng cũng nổi loạn". "Nó hệt một con chuột nhắt," HLV của Van Dijk ở đội trẻ là Robby Hendriks nhớ lại. Willem II cũng không có kế hoạch ký hợp đồng chuyên nghiệp với "con chuột nhắt" ấy.
Hãy tua nhanh đến 10 năm sau đó. Van Dijk, ở tuổi 27, nhận danh hiệu Cầu thủ hay nhất năm của bóng đá Anh do Hiệp hội cầu thủ nhà nghề (PFA) trao tặng. Nếu Liverpool có thể lên ngôi vô địch Ngoại hạng Anh sau 29 năm chờ đợi, công lớn nhất sẽ thuộc về chàng trai ấy. Đấy là cả một quá trình vươn lên phi thường, bền bỉ, kết tinh của kế hoạch tốt, sự tận hiến và cả vận may. Vấn đề là: anh đã làm điều ấy như thế nào?
Giờ hãy trở lại 10 năm về trước. Ở tuổi 17, Van Dijk trổ mã, cao thêm 18 cm. Trước đó, Van Dijk, như anh thừa nhận trên BBC, chỉ là một hậu vệ cánh phải thấp bé, chậm chạp với một cái đầu gối không vững. Đá trung vệ lúc ấy là một viễn cảnh gần như không tưởng với Van Dijk.
Nhưng màn dậy thì ngoạn mục chứng kiến Van Dijk cao phổng lên sau một năm. Nhìn anh, người ta lập tức liên tưởng đến hai trung vệ cao to khác cũng từng thành danh tại Willem II trong thập niên 1990 là Jaap Stam và Sami Hyypia. Nhưng cao to thế thôi, Van Dijk vẫn chưa thể lên đội một, bởi CLB nghĩ anh "còn nhiều hạn chế". Đấy là tiết lộ từ HLV của đội dự bị khi ấy, Edwin Hermans, trên tờ báo Hà Lan Trouw gần đây.
Sự thật là Willem II cũng không phải là một CLB giỏi nhìn người. Một cầu thủ trẻ hơn trong lò vào thời gian ấy là Frenkie de Jong cũng không nhận được bất kỳ sự chú ý nào. Thế nên khi Ajax đề nghị tuyển mộ De Jong, Willem II chịu ngay. Quân Ajax đông quá, họ lại mang De Jong cho Willem II mượn. Kết quả là anh này chỉ được ra sân vỏn vẹn một lần, đúng 20 phút. Bây giờ, De Jong là siêu sao ở Ajax và chuẩn bị gia nhập Barca trong mùa hè.
Van Dijk có lẽ sẽ trở thành người rửa chén toàn thời gian nếu không có sự can thiệp của gia đình Koeman. Martin Koeman, cựu tuyển thủ Hà Lan và là cha của hai tuyển thủ khác - Erwin và Ronald - quyết định sẽ mang Van Dijk về CLB của ông là FC Groningen. Willem II để hậu vệ 18 tuổi của họ ra đi theo dạng chuyển nhượng tự do, không một chút gì tiếc nuối, vào năm 2010.
Sau khi chuyển hộ khẩu sang miền bắc, Van Dijk đạp xe đến sân tập hàng ngày vì anh chưa có bằng lái. Groningen nhìn anh với ánh mắt dè dặt. Người duy nhất tin Van Dijk đủ trình độ để chơi cho đội một của CLB lúc ấy là... chính anh.
Cuối cùng, sau thời gian miệt mài tập cùng đội dự bị, Van Dijk cũng có cơ hội khoác áo Groningen lần đầu vào ngày 29/5/2011. Ba tháng trước sinh nhật lần thứ 20 và sau bốn lần ngồi dự bị, Van Dijk đá trận chuyên nghiệp đầu tiên với ADO Den Haag. Anh phạm lỗi dẫn đến một bàn thua, nhưng bù lại ghi một cú đúp. Màn chào sân ấn tượng ấy tạo luôn bệ phóng cho sự nghiệp Van Dijk. Rất nhanh chóng anh trở thành nhân vật chủ chốt trong hàng phòng ngự.
Nói như vậy không có nghĩa là mọi thứ lung linh là lên luôn với Van Dijk. Ở tuổi 20, Van Dijk suýt chết. Sau nhiều ngày không chẩn đoán được bệnh, Van Dijk đột quỵ, phải nhập viện cấp cứu viêm màng bụng và ngộ độc thận. Anh hồi tưởng trên tạp chí Voetbal International: "Tôi nhớ mình nằm trên giường, thứ duy nhất mình thấy là những cái ống và dây dợ. Người tôi như tan nát. Tôi không nhúc nhích được. Lần đầu tiên trong đời, bóng đá chỉ còn là chuyện phụ. Tôi và mẹ tôi cầu nguyện. Chúng tôi nói về những khả năng có thể xảy ra. Có lúc tôi đã phải ký giấy, kiểu như di chúc ấy. Để khi tôi chết, mẹ tôi có thể nhận được một ít tiền. Tôi đã nhìn thấy tử thần, và cảm giác ấy không dễ chịu chút nào".
Rất may mắn là cơn nguy kịch cũng qua đi. Thần kỳ hơn, sau ca phẫu thuật, Van Dijk có thể chơi bóng trở lại bình thường.
Đồng đội và người ở chung nhà trọ với Van Dijk ở Groningen, Tim Keurntjes, cho biết vào thời gian này, Van Dijk đã trở thành một trung vệ toàn diện: cao to, đầy sức mạnh và kỹ năng. Còn Van Dijk rất biết ơn vì anh từng... lùn. Vì ngày trước lùn, Van Dijk phải tập đọc tình huống rất nhiều. Chân ngắn quá, anh đâu thể mạo hiểm xoạc bóng. Người thấp bé, anh không thể tranh chấp 50-50. Khả năng đọc tình huống, phán đoán để cắt bóng là con đường duy nhất giúp Van Dijk chiến thắng những đối thủ cao to. Nói cách khác, nhờ lùn mà Van Dijk đã học cách suy nghĩ theo đúng kiểu Hà Lan truyền thống: luôn trăn trở về không gian, theo kiểu "mình đứng đúng chỗ chưa? Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?".
Robert Maaskant, HLV Groningen, ngày ấy còn chú ý đến một phẩm chất khác của Van Dijk: cầu thị. Chàng trai này học hỏi rất nhanh và liên tục. Dù bắt đầu từ một CLB nhỏ, với một sự nghiệp có thể gọi là nở muộn, Van Dijk vẫn tin anh có thể vươn lên đẳng cấp hàng đầu. Không có thế mạnh đặc biệt, Van Dijk làm điều đó bằng cách cố hạn chế sở đoản. Có thể vì trình độ ở Groningen không cao, vấn đề lớn nhất của Van Dijk trong giai đoạn này chính là sự tập trung. Có thể nói Van Dijk sinh ra là để chơi cho những đội bóng lớn, và đặc biệt hợp với những trận cầu căng thẳng, vì càng tập trung anh đá càng hay.
Một điểm đáng chú ý khác của sự nghiệp Van Dijk là việc cứ mỗi hai năm, anh lại tiến lên một nấc thang mới trong nghề nghiệp. Năm 2013, anh sẵn sàng cho một thử thách mới. Từ chối lời mời của Brighton, bỏ luôn đề nghị bộn tiền từ Krasnodar của nước Nga, Van Dijk chờ lời mời từ một CLB hàng đầu của Hà Lan. Nhưng lời mời ấy không bao giờ tới.
Groningen thậm chí đã gọi điện cho Giám đốc kỹ thuật của Ajax, Marc Overmars, để gạ bán Van Dijk. Nhưng Overmars từ chối, và mang tiền chiêu mộ một trung vệ trẻ khác là Mike Van der Hoorn. Ngay lúc này, Van der Hoorn chơi cho Swansea ở giải hạng Nhất Anh, còn Van Dijk đang cạnh tranh Ngoại hạng Anh lẫn Champions League cùng Liverpool.
Thế là năm 2013 ấy, Van Dijk quyết định gia nhập Celtic. Ở cái trạm dừng chân trên đất Scotland ấy, anh trở thành trung vệ không thể thay thế của một hàng thủ cứng như sắt thép. Celtic vô địch Scotland hai năm liên tiếp và tiếp tục tiến bộ. Nhưng HLV đội tuyển Hà Lan, Louis van Gaal, không điền tên anh vào danh sách dự World Cup. Thay vào đó ông gọi Terence Kongolo (hiện trong biên chế Huddersfield, CLB vừa rớt hạng ở Ngoại hạng Anh) và Bruno Martins Indi (giờ khoác áo Stoke City của giải hạng Nhất).
Nhưng Van Dijk không hề oán trách Van Gaal. Anh nói với tờ báo Hà Lan Algemeen Dagblad: "Ngày ấy tôi đâu có được vị thế như bây giờ. Giải vô địch Scotland ở dưới mặt bằng chung của bóng đá hàng đầu châu Âu".
"Ngày ấy tôi đâu có được vị thế như bây giờ" là một câu nói hoàn toàn chính xác. Van Gaal thực ra cũng cử người đi xem Van Dijk thi đấu ở giải vô địch Scotland. Nhưng báo cáo gửi về không tốt. Trong những đoạn video gửi về, Van Gaal cũng thấy rõ Van Dijk hay để tiền đạo lẻn ra sau lưng anh. Trên tờ Volkskrant, ông cũng từng chỉ ra Van Dijk không biết "phòng ngự chủ động", tức là xông lên chiếm lĩnh khoảng trống trước khi tiền đạo kịp chạm bóng. Điều dễ dàng nhất với một trung vệ cao to là đợi tiền đạo cầm bóng rồi đẩy họ vào tình huống phải tranh chấp tay đôi. Nhưng chiến thuật của đội tuyển Hà Lan (và bây giờ là Liverpool) luôn yêu cầu trung vệ phải pressing rất chủ động. Ngày ấy, Van Dijk chưa có điều kiện hấp thu những tinh hoa của chiến thuật bóng đá đỉnh cao. Tuy nhiên, dưới sự trui rèn của Jurgen Klopp, Van Dijk đã thực sự trở thành một trong những trung vệ hay nhất ở khả năng pressing chủ động.
Trước khi làm việc với Klopp, Van Dijk có dịp làm việc với một HLV giỏi khác là Ronald Koeman. Năm 2015, HLV đồng hương này mang anh về Southampton. Van Dijk rốt cục cũng được khoác áo đội tuyển lần đầu, ở tuổi 24 - cái tuổi không quá già, nhưng có thể bị xem là muộn, nếu so sánh với người đá cặp hiện nay ở đội tuyển quốc gia Matthijs de Ligt - trung vệ lên tuyển lần đầu năm 17 tuổi. Sau hai năm tiến bộ tại Southampton, Van Dijk sang Liverpool ở tuổi 26.
Bản hợp đồng trị giá 100 triệu đôla (75 triệu bảng) biến anh thành trung vệ đắt giá nhất lịch sử. Van Dijk vẫn thường nói anh không bao giờ nghĩ về con số ấy. Nhưng đấy quả thực là một con số khổng lồ. Ít ai ngờ cũng chính con người ấy từng bị Willem II đẩy đi không tiếc gì, và chỉ tốn của Celtic có gần 3,5 triệu đôla tiền chuyển nhượng.
Trận ra mắt tại Anfield, Van Dijk ghi bàn ấn định thắng lưới vào lưới Everton, trong trận derby Merseyside. Càng chơi, trung vệ có thân hình hộ pháp này càng tiến bộ. Các đối thủ ngỡ ngàng nhận ra anh nhanh hơn và khỏe hơn họ rất nhiều. Không chỉ to cao, vạm vỡ, Van Dijk còn thông minh và tự tin cực độ.
Nhìn anh, ta thấy một cầu thủ dù đang ở đỉnh cao của nghề nghiệp, vẫn giữ được một sự bình dân dễ mến. Anh khác rất xa các ngôi sao triệu phú xung quanh - những cầu thủ có các tay đại diện lừng danh, những hợp đồng quảng cáo hay cả đống hàng hiệu. Van Dijk vẫn là một con người bình bị, thỉnh thoảng xem TV để thấy đồng đội của anh đang chơi bóng ở giải hạng Nhì Hà Lan. Nó nhắc Van Dijk nhớ quá khứ khiêm tốn của bản thân. Trong trận đấu giữa Hà Lan và Pháp tháng 11 năm ngoái, người ta thấy anh trao áo mưa cho một cô bé mascot. Không có ai để ý cô bé ấy đang lạnh.
Ở tuổi 27, Van Dijk có một cái đầu già dặn và một đôi chân trẻ trung. Sự tập trung của anh khiến anh rất ít khi phạm những sai lầm như các trung vệ trước đây của Liverpool. Ronald Koeman, giờ là HLV đội tuyển Hà Lan, trao luôn băng thủ quân cho anh.
Georginio Wijnaldum, một tuyển thủ Hà Lan khác tại Liverpool, nói: "Nếu Virgil không hài lòng điều gì, anh ấy sẽ nói ra ngay. Trên sân cỏ, anh lúc nào cũng bận rộn, hò hét với những người bên cạnh và trước mặt. Có Virgil sau lưng chơi rất đỡ, vì anh ấy vừa thi đấu vừa huấn luyện".
Van Dijk thừa nhận anh nói hơi nhiều, nhưng mỗi trận đấu là một lần anh kiểm tra bản thân, và cách anh phối hợp vị trí với các đồng đội. Anh đánh giá cao bộ não hơn cơ bắp. Thế nên có lần, Van Dijk có ý đánh giá thấp Sergio Ramos, vì Ramos hay đặt mình vào tình thế phải xoạc bóng nhiều quá. Anh nói trên Algemeen Dagblad: "Ramos là một trung vệ tuyệt vời, nhưng không phải hình mẫu mà tôi theo đuổi. Tôi sẽ cố để không rơi vào những pha bóng như anh ấy".
Van Dijk luôn cố gắng cắt bóng hơn là phải đua sức với đối thủ, dù khi cần đua thì anh cũng chẳng thua ai. Là bậc thầy về ra quyết định, Van Dijk luôn đánh hơi rất tốt mối nguy hiểm, và dù bị đẩy vào những tình huống một đánh hai, anh vẫn luôn có cách vừa bịt hướng sút, vừa chừa khoảng trống để chạy về kèm người còn lại.
"Mỗi một tuần, một ngày trôi qua tôi đều cảm thấy tốt hơn", Van Dijk nói.
Anh sống đời bình lặng, tập luyện, về nhà chơi với vợ và con gái, nghỉ ngơi, chơi hết mình trong mỗi trận đấu. Cứ thế lặp lại. Van Dijk giờ khác xa gã đàn ông rửa bát năm nào, nhưng sự bình dân ấy như vẫn còn hiện hữu trong anh. Người ta đâu dễ dàng quên nơi mình xuất phát. Van Dijk càng không, vì nó luôn nhắc nhở anh về việc nếu có ý chí, người ta có thể đi xa đến đâu!
Hoài Thương