Hà Thị Thanh Vân -
Rất tiếc, sách giáo viên và các sách tham khảo khác chưa chú ý đúng mức đến sự khác biệt này. Chúng tôi thấy cần thiết phải nghiên cứu Chữ người tử tù túc góc độ văn bản học. Vì công việc này sẽ cấp thêm cho bạn độc một hướng thưởng thức văn tài cùng sự kì khu của Nguyễn Tuân. Đúng hơn chúng tôi sẽ kê ra nhiều căn cứ chứng tỏ Nguyễn Tuân không chỉ bổ sung hoặc sửa đổi một số câu chữ, mà thực chất tác giả đã viết lại tác phẩm Giòng chữ cuối cùng của mình [1].
So sánh hai văn bản, chúng tôi nhận thấy có mấy sự khác biệt sau đây:
1. Về tên truyện
Tên gọi Chữ người tử tù xuất hiện lần đâu tiên năm 1940, do chính Nguyễn Tuân đặt. Năm 1982 tuyển tập Nguyễn Tuân ra đời, tên gọi Chữ người tử tù vẫn được giữ nguyên. Vậy sự khác biệt giữa nhan đề của bản in đầu tiên với các bản in sau đó đã trở thành sự thực không thể phủ nhận được. Vấn đề còn lại ở chỗ: chúng khác nhau ra sao và có ý nghĩa gì?
Tôi thấy, sự khác biệt giữa Giòng chữ cuối cùng với Chữ người tử tù không chỉ giản đơn về mặt câu chữ, mà chủ yếu ở cách thể hiện.
Nhan đề đầu tiên đậm tính báo chí và nghiêng về thông tin. Nhan đề thứ hai thiên về bộc lộ quan niệm. Nhan đề thứ nhất dồn trọng tâm vào "chữ", "chữ" trở thành sự kiện; nhan đề thứ hai chú ý đến quan hệ giữa chữ và người, giữa chữ và cảnh. Đặt nhan đề thứ nhất, Nguyễn Tuân nhấn mạnh vào tính chất của sự kiện, đặt nhan đề thứ hai, Nguyễn Tuận tô đậm yếu tố hoàn cảnh. Mỗi nhan đề có một vẻ đẹp riêng, xét trên phương diện nghĩa.
2. Về cốt truyện
Khi so sánh hai văn bản vừa nêu, chúng tôi thấy ở văn bản Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân đã lược đi rất nhiều tình tiết, sự kiện.
Chẳng hạn, ở văn bản Giòng chữ cuối cùng có đoạn "Người ngồi đấy, đầu đã điểm hoa râm, râu đã ngả màu. Những đường nhăn nheo của một bộ mặt khổ sở, bây giờ đã biến đi đâu. Ở đấy, bây giờ chỉ là mặt nước ao xuân. Bình lặng, kín đáo và êm nhẹ. Ở đấy, trong giây lát lại lập loè chút ánh sáng của con tâm còn thơm sạch. Người ta phải lấy làm lạ hỏi tại sao ngục quan lại không có một cái đầu trâu, một cái trán dơi và một cái mặt khỉ. Trong thế giới Khuyển Ưng, Khuyển Phệ, cái bộ mặt quắc thước, nhẹ nhõm kia thực là một sự lạ lùng. Sự lạ lùng đó, trong bọn quan lại, người bề trên không chịu được và kẻ ty tiểu cũng không chịu được". Nhưng đến bản Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân chỉ giữ lại ba câu: " Người ngồi đấy, đầu đã điểm hoa râm, râu đã ngả màu. Những đường nhăn của một bộ mặt tư lự, bây giờ đã biến mất. Ở đấy chỉ còn là mặt nước ao xuân, bằng lặng kín đáo và êm nhẹ". Rõ ràng, Nguyễn Tuân đã bỏ hai tình tiết: dao động nội tâm và đối thoại tư tưởng để làm nổi bật ngoại hình cùng tâm trạng hiện thời của ngục quan.
Văn bản Giòng chữ cuối cùng khai thác thái độ của người bề trên và kẻ ty tiểu trước vẻ mặt lạ lùng của viên quản ngục. Còn văn bản Chữ người tử tù thì không xét tới những phương diện đó.
Thêm ví dụ nữa. Ở văn bản Giòng chữ cuối cùng, sau khi ngục quan hỏi Huấn Cao: "Ngài muốn gì xin cho biết", người kể chuyện liền bình giá để giải thích hành động trả lời của ông Huấn. Qua sự bình giá của người kể chuyện, ta thấy Huấn Cao có khẩu khí của nhân vật Từ Hải, và giọng văn Nguyễn Tuân gần với giọng Truyện Kiều: "Ông Huấn Cao là người không chịu giam mình trong lề thói hiện tại của một triều chính; chí ông là muốn vẫy vùng, muốn rạch sơn hà ra làm hai nửa và dựng riêng bờ cõi mình ở một góc trời.... Dưới mắt ông Huấn, còn có ai là đáng kể nữa". Đến Chữ người tử tù thì đoạn bình giá ấy không còn. Tôi xem việc sửa văn của Nguyễn Tuân lần này rất hợp lí. Vì khi bỏ đoạn văn có tính chất sáo mòn kiểu đó đi, mạch văn sẽ đỡ lộ, mà nội dung cuộc đối thoại cũng nổi bật hơn.
Cùng với việc lược đi một số sự kiện, ở văn bản Chữ người tử tù chúng tôi còn thấy Nguyễn Tuân đã thêm rất nhiều tình tiết mới. Ví dụ, ở Giòng chữ cuối cùng tác giả viết: "để mai ta dò ý tứ hắn xem sao", nhưng đến Chữ người tử tù thì lại thành "để mai ta dò ý tứ lần nữa xem sao rồi sẽ liệu". Tôi nghĩ chỗ này Nguyễn Tuân đã chúng tỏ được sự tinh tế. Bởi vì qua sự lặp lại của sự kiện, Nguyễn Tuân đã làm nổi bật đức tính kiên nhẫn cùng tấm lòng thiết tha của ngục quan.
Giòng chữ cuối cùng viết: "...từ hôm ấy, cơm rượu lại vẫn đưa đến đều đều và có phần hậu hơn trước nữa...". Chữ người tử tù giữa nguyên đoạn ấy nhưng bổ sung thêm một chi tiết nữa: "... từ hôm ấy, cơm rượu lại vẫn đưa đến đều đều và có phần hậu hơn trước, duy chỉ có y là không để chân vào buồng giam ông Huấn". Đọc nhanh thì thấy sự bổ sung này không mấy quan trọng. Nhưng nếu ngẫm kĩ, sẽ vỡ lẽ người kể rất quan tâm tới thái độ và hành ứng xử của ngục quan trước lời lẽ khinh bạc đến điều của ông Huấn. Người kể tái hiện kết quả tác động của câu nói đượm vẻ ngang tàng kia cũng để cụ thể hoá cái uy riêng ở nhân vật Huấn Cao vậy.
Đoạn khác, Giòng chữ cuối cùng ghi: "Trong đề lao, ngày đêm của tử tù đợi phút cuối cùng vẫn dài như nghìn năm ở ngoài". Văn bản Chữ người tử tù thêm: "Trong đề lao, ngày đêm của tử tù đợi phút cuối cùng, đúng như lời thơ xưa, vẫn đằng đẵng như nghìn năm ở ngoài". Chi tiết "thơ xưa" góp phần tạo nên không khí cổ kính, vang bóng cho truyện. Còn từ "đằng đẵng" thì lại gánh vác nhiệm vụ thời gian hoá tâm trạng nhân vật.
Chúng tôi thấy văn bản Chữ người tử tù tô đậm vẻ đẹp và giá trị của chữ Huấn Cao. Hơn nữa lại chú ý tả bức tranh chữ đó trong tương quan với tính cách của nhân vật. Đoạn in nghiêng sau thể hiện rõ điều đó: "Biết đọc vỡ sách thánh hiền, từ những ngày nào, cái sở nguyện của viên quan coi ngục này là có một ngày kia được treo ở nhà riêng mình một đôi câu đối do tay ông Huấn Cao viết. Chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm. Tính ông Huấn Cao vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ. Có được chữ ông Huấn mà treo là có một vật báu trên đời. Viên quản ngục khổ tâm nhất là có một ông Huấn Cao trong tay mình, dưới quyền mình mà không biết làm thế nào mà xin được chữ..."
Giòng chữ cuối cùng không lí tưởng hoá nhân vật bằng cách trên, mà chỉ tập trung tả sở nguyện và tâm trạng của viên quản ngục. Thử đọc lại đoạn văn ban đầu: " Biết đọc vỡ sách thánh hiền, từ những ngày nào, cái sở nguyện của viên quản ngục này là có một ngày kia được treo ở nhà riêng mình một đôi câu đối do tay ông Huấn Cao viết. Y khổ tâm nhất là có một ông Huấn Cao trong tay, dưới quyền mình mà không biết làm thế nào mà xin được chữ". Qua đây ta thấy, Nguyễn Tuân ngày càng chăm chút cho nhân vật chính. Ông đã làm đẹp nhân vật của mình bằng cách ghi lại ấn tượng về nét chữ và bằng thủ pháp có phần cường điệu. Tôi xem cái điệu đà hay cái duyên riêng của Nguyễn Tuân phần nào đã toát lên từ văn cách luôn đẩy mọi sự vật, sự việc đến giới hạn tột cùng của nó.
Ban đầu Nguyễn Tuân viết:
"Ở đây lẫn lộn, Ta khuyên thầy Quản nên thay nghề đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng trẻo với những nét chữ rõ ràng như thế. Thoi mực, kiếm được ở đâu mà tốt thế. Thầy có thấy mùi thơm ở chậu mực bốc lên không? Ta khuyên thầy Quản nên tìm về nhà quê mà chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiên liên cho lành mạnh.
Ngục quan cảm động, vái tên tù một vái và nói một câu mà giòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào:
- Xin bái lĩnh
Viên quản ngục nhìn mặt chữ khô lần lần. Y sung sướng vì giữ được giòng chữ quý.
Y tự nhủ: "Tất cả nghề nghiệp ta, và có lẽ cả đời ta nữa, lãi chỉ ở chỗ xin được chút kỉ niệm này".
Nhưng, một tình buồn mênh mông đã lẻn vào lòng sung sướng của quản ngục...
...Ít hôm nữa...pháp trường trong Kinh..."
(Giòng chữ cuối cùng) [2]
Về sau ông sửa chữa khá nhiều chi tiết. Xin lấy ví dụ:
"Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi treo một bức lụa trắng với những nét chữ vuông tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người. Thoi mực, thầy mua ở đâu mà tốt và thơm quá. Thầy có thấy mùi thơ ở chậu mực bốc lên không?...Tôi bảo thực đấy, thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi.
Lửa đóm cháy rừng rực, lửa rụng xuống nền đất ẩm phòng giam, tàn lửa tắt nghe xèo xèo.
Ba người nhìn bức châm, rồi lại nhìn nhau
Ngục quan cảm động, vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: "Kẻ mê muội này xin bái lĩnh"
(Chữ người tử tù) [3]
Tôi cho Nguyễn Tuân cao tay khi quyết định sửa chữ "nghề" thành "chốn ở". Vì rằng chữ sau được ông lựa chọn hay hơn, thú vị hơn chữ trước. Nói cách khác, chữ trước kém tính khái quát hơn chữ sau, hàm ý cũng nông hơn chữ sau. Chẳng hạn, chữ "nghề" mang ý nghĩa cụ thể, nhưng chữ "chốn ở" đặt trong văn cảnh Chữ người tử tù, lại có tính chất biểu trưng rõ rệt. Trường hợp từ "kiếm được" và "mua được", hay giữa từ "tốt thế" với "tốt và thơm quá" cũng vậy. Chúng khác nhau về ý tứ, lẫn nhạc âm.
Ở trên chúng tôi đã chỉ ra: khi sửa chữa Giòng chữ cuối cùng Nguyễn Tuân ưa tả nét chữ, và đậm tô giá trị của chữ. Đến đây chúng tôi xin nói thêm, Nguyễn Tuân còn quan tâm đến nội dung tư tưởng của bức tranh chữ. Ở Giòng chữ cuối cùng, sau khi để Huấn Cao khuyên quản ngục, người kể chuyện không còn tả cảnh xung quanh nữa. Trái lại, khi viết Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân lại tả cảnh lửa cháy, và "cảnh vô ngôn" giữa ba nhân vật. Chữ người tử tù kết thúc khi ngục quan ngừng lời. Giòng chữ cuối cùng thì tiếp tục miêu thuật tâm trạng và suy tư của nhân vật ấy.
3. Về tâm trạng, tính cách nhân vật
Truyện Chữ người tử tù phục chế không khí cổ kính của một thời còn vang bóng bằng kỹ thuật hiện đại. Kỹ thuật ấy biểu hiện rõ nhất ở sự phân tích tâm lý nhân vật. Về mặt này, tôi xin lưu ý thêm, nếu theo dõi tâm trạng và tính cách của từng nhân vật trong truyện thì chắc chắn chúng ta sẽ có thêm một căn cứ nữa để hiểu rằng Nguyễn Tuân đã viết lại về cơ bản một số đoạn trong Giòng chữ cuối cùng.
Ngoài những đoạn văn thể hiện tính cách nhân vật đã dẫn ở trên. Dưới đây chúng tôi sẽ bàn thêm một số ví dụ khác.
Thứ nhất: về tính cách viên quan coi ngục
Giòng chữ cuối cùng viết: "tôi nghĩ mà thêm tội nghiệp". Chữ người tử tù sửa khác đi một chút: "tôi nghĩ mà thấy tiêng tiếc". Hoặc "Ngục quan ngồi bóp thái dương một cách băn khoăn" được sửa thành "Ngục quan băn khoăn ngồi bóp thái dương". Không cần phải phân tích nhiều cũng đủ thấy Nguyễn Tuân đã thay đổi cấu trúc câu văn, mà vì thế nên ý nghĩa của nó cũng biến đổi. Tôi nghĩ câu văn sau vừa chắc, gọn vừa rõ ý hơn câu văn trước.
Chữ người tử tù chỉ viết: "Những đường nhăn nheo của một bộ mặt tư lự, bây giờ đã biến mất hẳn". Nhưng Giòng chữ cuối cùng đã tả khác và có phần kỹ hơn: "Những đường nhăn nheo của một bộ mặt khổ sở, bây giờ đã biến đi đâu. Ở đây, trong giây lát lại lập loè chút ánh sáng của con tâm còn thơm sạch".
Ở Giòng chữ cuối cùng quản ngục nói với Huấn Cao bằng giọng điệu vừa nhã nhặn, kiêng nể, vừa ủng hộ e dè: "Miễn là ngài đừng làm quá. Sợ đến tai lính tráng họ biết, thì phiền luỵ riêng cho tôi. Vậy ngài muốn gì xin cho biết. Tôi sẽ liệu". Còn ở Chữ người tử tù, ngục quan đã biết suy nghĩ và nói năng cẩn thận hơn: "Miễn là ngài giữ kín cho. Sợ đến tai lính tráng họ biết, thì phiền luỵ riêng cho tôi nhiều lắm. Vậy ngài muốn gì xin cho biết. Tôi sẽ cố gắng chu tất".
Chữ người tử tù quan tâm trau chuốt lời nói, điệu nói của ngục quan, nên cân nhắc chọn chữ chính xác, ngắn gọn, chẳng hạn: "khi nghe xong câu trả lời, y chỉ lễ phép lui ra với một câu: xin lĩnh ý". Giòng chữ cuối cùng thì đã chọn cách diễn đạt khác để diễn cái thái độ ứng xử hạ mình của viên quan coi ngục: "...y chỉ nhã nhặn lui ra với một câu: tôi xin lĩnh ý". Hai chữ "lễ phép" làm nổi bật thái độ kính trọng, còn hai chữ "nhã nhặn" làm sáng tỏ thái độ tôn trọng. "Lễ phép" nghiêng về phạm trù đạo đức. "Nhã nhặn" chủ yếu thể hiện thái độ ứng xử của cá nhân.
Trong Chữ người tử tù, ngục quan "khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô vuông" mỗi khi người tù viết xong một chữ; còn ở Giòng chữ cuối cùng, ngục quan "lại im lặng cất những đồng tiền" đó. Ở Chữ người tử tù, sau khi nghe lời dặn dò của ông Huấn, ngục quan chỉ chắp tay vái và nói một câu nghẹn ngào. Còn ở Giòng chữ cuối cùng viên quản ngục đã chăm chú xem mặt chữ. Y cảm thấy sung sướng vì thấy mình đã xin được chút kỷ niệm.
Thứ hai: về tính cách nhân vật thầy thơ lại
Nhân vật thầy thơ lại ở Giòng chữ cuối cùng được kể bằng giọng văn chân chất đến vụng về: nghe xong chuyện cảm động của ngục quan, thầy thơ lại nói "Dạ bẩm ngài cứ yên tâm đã có tôi" rồi ù té chạy xuống phía trại giam ông Huấn. Thầy đấm cửa thùm thùm, hớt hơ hớt hải kể cho tử tù nghe rõ nỗi lòng viên quản ngục và báo tin buồn luôn thể cho ông Huấn Cao biết việc về kinh chịu án tử hình". Đến Chữ người tử tù, thầy thơ lại đã rút được bài học quan trọng về đi đứng, nói năng: "Thầy thơ lại cảm động, nghe xong chuyện nói: Dạ bẩm, ngài cứ yêu tâm, đã có tôi" rồi chạy ngay xuống phía trại giam ông Huấn, đấm cửa buồng giam, hớt hơ hớt hải kể cho tử tù nghe rõ nỗi lòng viên quản ngục và ngập ngừng báo luôn cho ông Huấn biết việc về kinh chịu án tử hình".
Xem ra, không phải ngay từ đầu Nguyễn Tuân đã có những câu văn hay!
Thứ ba: về tính cách Huấn Cao
Giòng chữ cuối cùng tả thế này: "Huấn Cao lãnh đạm, không chấp, đã chúc mũi gông nặng xuống thềm đá tảng, khom mình thúc mạnh đầu thành gông xuống đấy đánh thuỳnh một cái". Chữ người tử tù đã chọn cách diễn đạt khác để thể hiện khí phách của nhân vật này: " Huấn Cao lạnh lùng, chúc mũi gông nặng, khom mình thúc mạnh đầu thang gông xuống thềm đá tảng đánh thuỳnh một cái". Mặc dù sắc thái ý nghĩa của hai chữ "lãnh đạm" và "lạnh lùng" khác nhau, nhưng việc Nguyễn Tuân dùng từ "lạnh lùng" để diễn tả thái độ của Huấn Cao chưa chắc đã hay hơn từ "lãnh đạm". Bởi vì chữ "lạnh lùng" thường dùng để chỉ ai đó thiếu tình cảm trong quan hệ tiếp xúc với người, hoặc việc. Nhưng từ "lãnh đạm" thì thiên về ý nghĩa chỉ người nào đó "tỏ ra không muốn quan tâm, không thân mật, không ân cần, hoặc không có biểu hiện tình cảm nào cả".
Huấn Cao trong Giòng chữ cuối cùng ăn nói rất đời thường: "Ông Huấn vẫn thản nhiên nhận rượu thịt, coi như mình có quyền hưởng những thứ thực phẩm đó... Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng quấy rầy ta nữa". Huấn Cao trong Chữ người tử tù có khẩu khí ngang tàng hơn: "Ông Huấn Cao vẫn thản nhiên nhận rượu thịt, coi như đó là một việc vẫn làm trong cái hứng bình sinh lúc chưa bị giam cầm... Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà người đừng đặt chân vào đây nữa".
Huấn Cao trong Giòng chữ cuối cùng chủ động, quyết đoán: "nghe xong, mỉm cười". Huấn Cao trong Chữ người tử tù thì thận trọng, và điềm đạm: " Huấn Cao lặng nghĩ một lát rồi mỉm cười".
Huấn Cao ở Giòng chữ cuối cùng nói năng có đôi phần chân phác: "Ta cảm cái tấm lòng thành kính của các ngươi. Nhưng Huấn Cao ở Chữ người tử tù thì thích nói chữ: "Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các ngươi".
Thứ tư: về thái độ của người kể chuyện
Thái độ của người kể chuyện trong văn bản Giòng chữ cuối cùng có đôi chút khác so với thái độ của người kể chuyện ở văn bản Chữ người từ tù. Điều này bộc lộ rõ ở cách gọi tên nhân vật. Ví dụ, thay vì gọi Huấn Cao bằng "tên tù", người kể ở Chữ người tử tù gọi bằng "người tù".
Thứ năm: về thái độ của nhân vật đám đông
Giòng chữ cuối cùng kể: "Mấy tên lính, khi nói chữ "để tâm" có ý nhắc viên quan coi ngục nên tàn nhẫn đi, chứ còn đợi gì nữa. Hình như kẻ dưới lại còn giục người trên mau mau làm điều ác. Ngục quan chỉ điềm đạm...Bọn lính thất vọng. Sáu tên tử tù hơi ngạc nhiên về thái độ quản ngục". Chữ người tử tù sửa thành: "Mấy tên lính, khi nói đến tiếng "để tâm" có ý nhắc viên quan coi ngục còn chờ đợi gì mà không giở những mánh khoé hành hạ thường lệ ra. Ngục quan ung dung... Bọn lính dãn cả ra, nhìn nhau và không hiểu. Sáu tên tử tù cứ ngạc nhiên về thái độ quản ngục".
4. Về kết truyện
Kết truyện ở văn bản Giòng chữ cuối cùng vừa khép lại một tuyến sự kiện, vừa mở ra nhiều câu chuyện về lối ứng xử của nhiều nhân vật, chẳng hạn: chuyện Huấn Cao lĩnh án tử hình; chuyện ngục quan đổi chỗ ở để giữ thiên lương lành vững; chuyện thầy thơ lại có nhân cách cứng cỏi, sáng trong nhưng lạc lõng giữa chốn tù ngục. Tôi xem cách kết thúc mở ở Giòng chữ cuối cùng vừa có khả năng thanh lọc tâm hồn, vừa gợi cảm xúc xót thương, tiếc nuối.
Cách kết truyện ở văn bản Chữ người tử tù thiên về cuộc gặp gỡ của Huấn Cao, ngục quan và thầy thơ lại. Họ từ chỗ xa cách, dẫn đến nghi ngờ và thường phải dò ý nhau, đã tiến dần đến chỗ hiểu nhau, rồi quý trọng nhau và trở thành tri âm tri kỉ của nhau. Đoạn "Ba người nhìn bức châm, rồi lại nhìn nhau" cho ta thấy rõ điều đó.
5. Về địa danh và lời đề từ
Văn bản Giòng chữ cuối cùng miêu tả trại giam tỉnh Đoài và thuật lời đồn của người dân tỉnh Đoài về Huấn Cao. Trong khi văn bản Chữ người tử tù lại tả "trại giam tỉnh Sơn" và lời đồn của người dân tỉnh này về ông Huấn.
Văn bản Giòng chữ cuối cùng có lời đề từ trích dẫn từ Truyện cổ nước Nam: "Ngày xưa, có một tên tử tù viết chữ đại tự rất tốt...". Lời đề từ ấy kết hợp với những đoạn giai thoại đã tạo nên một không khí huyền thoại ngay từ mở truyện. Thế nhưng khi viết Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân đã bỏ lời đề từ đó.
Năm phương diện mà chúng tôi xem xét ở trên cùng với nhiều đoạn tác giả đặt bút sửa chữa câu chữ, đã chứng minh được một điều rằng: cụ Nguyễn đã viết lại truyện ngắn Chữ người tử tù. Vậy nên, nếu nói "tác phẩm Chữ người từ tù in năm 1938 trên tạp chí Tao đàn, sau đó được tuyển in trong tập Vang bóng một thời" [4] thì cần phải thêm chú thích, hoặc giải thích rõ hơn nữa trên tinh thần của văn bản học để tránh những sự ngộ nhận đáng tiếc nào đó.
Chúng tôi thấy, Nguyễn Tuân nổi tiếng hay chữ. Song không phải lúc nào hoặc ngay từ khi chấp bút ông đã đặt được những câu hay, từ đắt. Tất nhiên, nếu không trải qua một quá trình lao động chữ nghiêm túc, liên tục và bền bỉ, chắc hẳn Nguyễn Tuân không thể có được một văn bản thú vị đến thế.
[1] Sách giáo khoa và các sách tham khảo khác chưa có cái nhìn đúng đắn về văn bản Chữ người tử tù. Người ta nhầm tưởng rằng: bản đăng lần đầu tiên trên Tao đàn và các bản in sau đó vẫn giữ nguyên văn. Có thay đổi đi nữa thì cũng chỉ rất nhỏ vặt, ví dụ tác giả đặt lại nhan đề mà tinh thần vẫn cũ hoặc cắt đi đôi câu văn cuối truyện cho ý văn hàm sức hơn, kín đáo hơn. Bằng chứng là: phần Tiểu dẫn ở sách Ngữ văn 11 mới, và sách chỉnh lý hợp nhất năm 2000, cùng lời bàn về xuất xứ tác phẩm Chữ người tử tù ở các bài văn phân tích khác cũng chỉ ghi vẻn vẹn mấy dòng sau: "Truyện ngắn Chữ người tử tù lúc đầu có tên Dòng chữ cuối cùng, in năm 1938 trên tạp chí Tao đàn, sau đó in trong tập truyện Vang bóng một thời và đổi tên thành Chữ người tử tù".
[2] Xem: Nguyễn Ngọc Thiện (chủ biên). Tạp chí Tao đàn 1939- Sưu tập trọn bộ tạp chí văn học của nhà xuất bản Tân Dân. Nxb Văn học. Nhân đây cũng thêm lưu ý, Nguyễn Tuân viết Giòng chữ cuối cùng chứ không phải Dòng chữ cuối cùng. Trường hợp của Thạch Lam cũng vậy. Thạch Lam viết Theo giòng, nhưng hậu thế cứ sửa thành "Theo dòng". Có lẽ người biên soạn nghĩ các cụ ta ngày xưa viết chưa đúng chính tả chăng?
[3] Xem Tuyển tập Nguyễn Tuân, tập 1. Nxb Văn học, Hà Nội, 1982
[4] Xem thêm Ngữ văn 11, tập 1. Nxb Giáo dục, 2007