Tiền Trung Văn -
Cơ sở lý luận triết học và sự đa dạng, đa hướng trong quan niệm văn học
Lý luận văn học bước đầu trở về tự thân, nghĩa là trở về với tự thân các nguyên lý khoa học của lý luận văn học. Văn học là gì, lý giải thế nào về văn học, kiên trì loại quan niệm văn học nào, điều này đương nhiên gây hứng thú tìm tòi thảo luận cho những người làm công tác lý luận văn học. Quan niệm văn học được lưu hành mấy chục năm trước thập kỷ 80 là quan niệm văn học đấu tranh giai cấp. Loại quan niệm văn học này, xuất phát từ triết học Mácxít, giới định văn học là hình thái ý thức của một giai cấp nhất định, là công cụ của đấu tranh giai cấp, điều này là chính xác đối với một giai đoạn lịch sử xã hội nhất định. Song khái quát hóa lý luận như vậy thì lại không khoa học, cho nên, cuối cùng loại quan niệm văn học này đã phát triển thành thứ công cụ lý luận bức hại chính trị trong tay một số người; đồng thời, do bị chế ước bởi chính trị, nên đó cũng là loại quan niệm văn học đại nhất thống, là loại quan niệm văn học mà những người làm công tác văn học phải tuân thủ. Thế nhưng, bắt đầu từ cuối thập kỷ 70, giống như sự phản nghịch trong thơ ca lúc đó, giới văn nghệ đã đề xuất việc phê phán thuyết coi văn nghệ là công cụ đấu tranh giai cấp[12]. Cùng với thuyết này, nảy sinh sự chuyển dịch vị trí trong quan niệm coi văn học là hình thái ý thức, là công cụ. Văn học đã không còn là công cụ đấu tranh giai cấp, vậy văn học sẽ là cái gì? Quan hệ giữa văn học với chính trị sẽ là quan hệ gì? Hoàn toàn không có đáp án thực sự để người ta thoả mãn, thế là quan niệm văn học đại nhất thống bị hoài nghi. Bắt đầu từ đầu thập kỷ 80, mọi người đã tiến hành nghiên cứu thảo luận một cách khoa học đối với lý luận văn học; lý luận văn học vốn bị phong bế đã được mở rộng cửa, và màn mở đầu cho những tìm tòi lý luận thể hiện tinh thần hiện đại đã được vén mở.
Phê phán và phản tư (suy nghĩ lại) đã làm cho tư duy lý luận trở nên năng động chưa từng có. Trong các nghiên cứu và thảo luận về chủ nghĩa nhân đạo, tư tưởng nhân tính luận đã xuất hiện nhiều loại quan niệm văn học; chẳng hạn, văn học là biểu hiện của nhân tính, văn học là vật hóa của tình cảm, hoặc là tình cảm học, văn học là thẩm mỹ, quan niệm văn học là nhân học lại một lần nữa được đề xuất và làm sáng tỏ. Song hành với việc phê phán và phản tư là sự du nhập đủ loại triết học, tư trào lý luận văn học nước ngoài như phân tâm học, tâm lý học, chủ nghĩa hiện sinh, tư tưởng bản thể luận; tất cả đã làm cho quan niệm văn học nảy sinh những thay đổi lớn lao, song cũng ngày càng đa dạng. Điều này làm xuất hiện các kiểu tranh chấp, trong nghiên cứu thì thảo luận khá tự do, đến nay có thể nói là mỗi nhà mỗi kiểu, chẳng ai phục tùng quan niệm văn học của ai. Đồng thời do sự tranh luận rộng rãi nên khó mà tìm được một kết luận có sự nhất trí cao, khiến cho một số luận giả cho rằng tốt hơn là nên nghiên cứu thảo luận một số vấn đề cụ thể, chẳng hạn vấn đề văn học ngôn ngữ học, phân tích tác phẩm... Đương nhiên, những vấn đề này đều là những vấn đề cần có trong nghiên cứu văn học. Cũng có luận giả cho rằng sáng tạo văn học đã bước vào giai đoạn triết học ngôn ngữ học, cách nói nhận thức luận, thể nghiệm luận đều đã xưa cũ, quá thời.
Như vậy, đã nhanh chóng xuất hiện xu thế đa dạng hóa hoặc đa nguyên hóa trong quan niệm về văn học; đây chính là sự thể hiện tính hiện đại trong diễn biến của lý luận văn học. Cách tìm hiểu của mọi người đối với văn học không chỉ khác nhau ở mỗi nhóm mà còn khác nhau ở từng người. Xét trên tổng thể nền văn học, có một sự đa chủng và đa dạng về quan niệm văn học, mỗi loại có một giá trị khác nhau; đồng thời, xét về bản thân văn học thì nó có thể phân thành các tầng khác nhau, thể hiện nhiều loại bản chất, như vậy lại có thể hình thành loại lý giải có sự nhấn mạnh khác nhau [đến những tầng khác nhau] của văn học[13]. Việc thừa nhận xu thế đa nguyên của quan niệm về văn học là một phương diện của sự thể hiện tính hiện đại: ấy là thừa nhận rằng suy nghĩ của mọi người về văn học đều là ý thức và quan niệm độc lập. Các loại ý thức và quan niệm liên quan đến văn học đều có liên hệ với nhau, song mỗi bên đều có sự độc lập của mình, tự tạo nên quyền uy trong dòng sông dài dặc của quá trình nhận thức của con người; chúng tự có giá trị, đồng thời giữa chúng hình thành loại quan hệ đối thoại. Đương nhiên ở đây cũng dễ nảy sinh sự ngộ nhận của lý luận, song, cho dù đích xác là ngộ nhận, đó cũng chỉ là sự ngộ nhận được phát hiện trong sự so sánh, đối thoại với nhau.
Sự đa nguyên hóa trong quan niệm văn học tất nhiên sẽ liên quan đến tư tưởng triết học, cơ sở triết học của văn nghệ: có hay không có vấn đề đa nguyên hóa? Những nghiên cứu thảo luận và tranh luận liên quan đến thuyết coi văn học là hình thái ý thức, là công cụ đấu tranh giai cấp, đã nhanh chóng liên quan đến vấn đề nhận thức luận. Nhận thức luận luôn được coi là cơ sở triết học của học thuyết chủ nghĩa xã hội Mácxít, đồng thời đã dẫn nhập nó vào lý luận văn học, trở thành xuất phát điểm của lý luận văn học Mácxít. Thế là nhiều năm qua nó đã trở thành cơ sở triết học duy nhất của lý luận văn học, hình thành văn nghệ học nhận thức luận, mỹ học nhận thức luận. Như vậy, trong sự phát triển hướng tới đa dạng hóa của quan niệm văn học, tất nhiên điều đó sẽ khiến nhận thức luận bị hoài nghi.
Nhận thức luận triết học rất đa dạng, việc giải thích nó trong đời sống văn học nghệ thuật Trung Quốc là khá phức tạp. Nhìn chung người ta cho rằng, nhận thức luận khoa học nhất chính là phản ánh luận duy vật chủ nghĩa, thứ phản ánh biện biệt chủ thể và khách thể, chủ thể phản ánh khách thể đồng thời cải tạo khách thể. Do đó triết học Mácxít không chỉ ở chỗ giải thích thế giới mà còn ở chỗ cải tạo thế giới. Chúng ta biết rõ, khi nhận thức luận được sử dụng đúng đắn, phù hợp với sự phát triển của cuộc sống, lý luận khoa học xã hội mà nó chỉ đạo có thể nhờ đó mà sáng tạo ra một thế giới mới; còn khi nó đánh mất lý tính, hướng tới phi lý tính, phản lý tính, thì dưới sự chỉ đạo của nó khoa học xã hội cũng gần như đã phá hủy một xã hội mới được xây dựng. Sau thập kỷ 50, nhận thức luận được di thực (du nhập) một cách phổ biến vào lý luận văn học, mà là kiểu di thực trực tiếp. Loại di thực trực tiếp này, do các nhân tố trung gian bài xích thẩm mỹ, liền giới định một cách thẳng thừng rằng văn nghệ là sự phản ánh đời sống, là một loại hình thái ý thức, coi chức năng của văn nghệ chủ yếu là nhận thức và giáo dục tư tưởng, từ đó tuyên bố văn nghệ là công cụ đấu tranh giai cấp, thứ đến mới là gây tác dụng thẩm mỹ. Thế nhưng, nếu bỏ qua lối thẩm mỹ chỉ bàn đến nhận thức, đó chỉ là nhận thức nói chung, nhận thức lý luận. Kết quả là văn học bị coi như một loại nhận thức; lấy nhận thức nói chung, nhận thức trong triết học thay cho nhận thức thẩm mỹ văn học, coi thẩm mỹ đối với văn học chỉ là loại phụ gia, thế là hình thành loại cơ giới luận trong lý luận văn học; đồng thời tính giai cấp của văn học cũng bị mở rộng, chức năng của văn học bị xuyên tạc, hình thành xã hội học dung tục trong văn học. Hơn 10 năm qua, những vấn đề đó liên tục được thảo luận đi thảo luận lại.
Mọi người đều biết, văn học không phải là nhận thức, nói cách khác, văn học không chỉ là nhận thức, đối tượng của sáng tác văn học và nhận thức lý luận hoàn toàn khác nhau. Nếu coi văn học là nhận thức thì rõ ràng là đã xem nhẹ hoặc thủ tiêu đặc trưng thẩm mỹ của văn học. Nhận thức luận hiển nhiên là cần thiết, song trước tiên, việc coi nhận thức luận là cơ sở triết học của sáng tác văn học chỉ chính xác ở một điểm: nó giải thích mối quan hệ giữa văn học với đời sống, tức ngọn nguồn của văn học là cuộc sống. Có điều, đó chỉ là vấn đề của tầng triết học. Nếu đi vào sáng tác văn học mà vẫn áp dụng cách nói "văn học là sự phản ánh cuộc sống" thì hiển nhiên khó lòng giải thích rõ những vấn đề khác của văn học. Nếu nhất định phải như vậy để thảo luận vấn đề, thì ắt sẽ dẫn tới những tuyên bố kiểu như "vấn đề tâm lý sáng tác chỉ là duy tâm chủ nghĩa", giống như hồi thập kỷ 50, một số nhà duy vật của Trung Quốc không sao chấp nhận được học thuyết tâm lý, bài xích những thảo luận nghiên cứu tâm lý trong sáng tác; mãi đến thập kỷ 80, 90 hiện tượng đó vẫn y nguyên như vậy ở một số người. Kỳ thực, tâm lý sáng tác, hay ý thức thẩm mỹ, tuy bắt nguồn từ cuộc sống, song một khi đã đi vào quá trình sáng tác thì nó thoát ly khỏi vật tượng cụ thể; chủ thể đã cải tạo ngoại hình của vật, thậm chí đã tiêu diệt tự thân của vật, lúc này tâm vật nhất thể, đã trở thành một hiện thực mới hỗn hợp không phân tách được, lúc đó không còn giới hạn duy vật duy tâm nữa. Mặt khác, văn học quả là có tác dụng nhận thức; đây là loại tồn tại khách quan, không thừa nhận điểm này thì cũng là phiến diện, ra vẻ cao đạo. Mấy năm qua, việc thảo luận nghiên cứu các vấn đề văn học từ góc độ nhận thức luận đã giảm đi nhiều, song cách đây không lâu, bài bình luận về tác phẩm Bạch Lộc nguyên đăng trên tạp chí Văn học bình luận vẫn là kiểu nghiên cứu tiểu thuyết từ góc độ nhận thức luận văn nghệ học[14]. Sự nghiên cứu về mối quan hệ qua lại phức tạp giữa các nhân vật trong tác phẩm đã thiên về nhân tố xã hội, phân tích tỉ mỉ có lớp lang, đi sâu đến từng chi tiết; kiểu phân tích này, học phái khác không cung cấp nổi. Nhìn nhận văn học từ góc độ xã hội học, bản chất thẩm mỹ của văn học tuy quan trọng, song điểm quan tâm của nó lại chủ yếu là nhận thức. Nhìn nhận văn học từ góc độ nhận thức, nghiên cứu văn học bằng phương pháp nhận thức là một phương diện quan trọng của nghiên cứu văn học. Kỳ thực, xét văn học một cách tổng thể thì không chỉ văn học cổ cung cấp một lượng lớn tư liệu có ý nghĩa nhận thức mà văn học đương đại cũng như vậy. Được biết, một số học giả nước ngoài đọc tiểu thuyết đương đại của chúng ta (Trung Quốc) chủ yếu xuất phát từ ý nghĩa nhận thức của tiểu thuyết, để tìm hiểu đời sống xã hội đương đại và tập tục của nước ta, thậm chí tìm hiểu tiến triển của cuộc cải cách xã hội của nước ta. Một mặt, họ có thể cho rằng trình độ thẩm mỹ trong tiểu thuyết đương đại nước ta không cao, mặt khác, những tiểu thuyết đó quả có ý nghĩa nhận thức. Về vấn đề này, chúng ta chưa từng nghe nói có nhà văn, nhà phê bình nổi tiếng nào nêu ý kiến kháng nghị, hoặc cho rằng đó đích thực là xã hội học dung tục.
Sự đa dạng hóa trong quan niệm văn học tất nhiên bao gồm sự đa dạng hóa dựa vào quan niệm nhận thức của văn học, tức quan niệm triết học. Thập kỷ 80, khi triết học nhận thức luận gặp phải đủ loại ý kiến trách cứ trong nghiên cứu văn học, chính là lúc các loại tư tưởng triết học và tư tưởng văn nghệ phương Tây ùa vào giới tư tưởng nước ta (Trung Quốc). Hơn 10 năm qua, sự đột phá trong quan niệm văn học chính là do đã tiếp nhận đủ loại tư tưởng triết học và tư tưởng văn nghệ nước ngoài, trước tiên là do đã vượt qua nhận thức luận văn nghệ học mà có. Việc nhìn nhận lại đối với vấn đề nhận thức của văn học đã nhanh chóng chuyển sang thảo luận về văn học chủ thể luận: sáng tác là thẩm mỹ hoặc thể nghiệm thẩm mỹ, tức một loại thể nghiệm nhân sinh. Thế là cách nói "văn học không liên quan đến nhận thức, nhận thức luận đã hết thời, hoặc đã bị thay thế, đã bị đánh đổ" được lưu hành rộng rãi, và do sự phản cảm đối với nhận thức luận, có những luận giả nhất quyết đòi thanh trừ nhận thức luận - bao gồm cả phản ánh luận - ra khỏi lý luận văn học, thế là lại bước sang cực đoan phi lý tính. Như vậy, nhận thức luận văn nghệ học đã chịu sự ghẻ lạnh nhất định, còn nhân loại bản thể luận văn nghệ học bao gồm tư tưởng văn nghệ chủ thể luận, lý luận văn học thẩm mỹ phản ánh luận, lý luận văn học ngôn ngữ luận và lý luận văn học chủ nghĩa giải cấu trúc và phê bình văn hóa, nối tiếp nhau hưng khởi, trong một chừng mực đáng kể đã thể hiện bước tiến đa dạng và hiện đại trong tư tưởng văn nghệ Trung Quốc hiện nay.
Việc đề xuất tính chủ thể trong văn học là một phương diện quan trọng thể hiện tính hiện đại trong văn nghệ học thập kỷ 80. Cuộc thảo luận về nhân tính, nhân đạo chủ nghĩa hồi đầu thập kỷ 80, việc mở rộng tính chủ thể trong triết học, rõ ràng đã hướng sự chú ý sang con người. Triết học phương Tây ngay từ thế kỷ 19 đã chuyển hướng sang con người, chủ thể của con người là trung tâm của nghiên cứu triết học nhân bản chủ nghĩa. Các trường phái triết học nhân bản chủ nghĩa đã có đủ loại giải thích về chủ thể con người, chẳng hạn triết học sinh mệnh, triết học chủ nghĩa Freud, triết học chủ nghĩa hiện sinh, triết học giải thích học, triết học Mácxít phương Tây..., tương ứng với chúng đã hình thành các loại lý luận văn học coi trọng đặc trưng tính chủ thể một cách khác nhau, có ảnh hưởng rất lớn đến giới triết học, giới văn nghệ vừa mới hồi sinh của nước ta (Trung Quốc). Trường phái dòng ý thức, trong văn học hiện đại phương Tây cũng như học thuyết phân tâm của Freud, đã gợi mở việc nhận thức lại về con người trong văn giới Trung Quốc. Mọi người phát hiện đời sống nội tâm của con người mà trước đây các nhà văn không dám động đến, dòng ý thức ở đó biến hóa đa đoan, muôn hình vạn trạng, đó là một thế giới tinh thần vô cùng phong phú. Sự khác biệt giữa ý thức với vô thức và tiềm thức của con người, sự nhận thức phi lý tính, đã mở rộng tầm hiểu biết đối với tự thân con người. Thế giới bao la ngoại tại mà văn học trước đây miêu tả cố nhiên là thiên biến vạn hóa, muôn hình vạn trạng, song thế giới nội tâm của con người - mà đến nay mới phát hiện ra - cũng vậy, vô cùng hấp dẫn, muôn hình muôn vẻ. Điều đó đã tạo điều kiện cho việc đề xuất tính chủ thể trong văn học thập kỷ 80 ở Trung Quốc.
Sự ra đời của tính chủ thể trong văn học là nhằm vào nhận thức luận; nó đề cao nhân tính và tinh thần chủ thể của con người, đề xướng cái tôi độc lập của con người, yêu cầu phóng thích vô hạn độ tính năng động chủ quan của chủ thể tinh thần con người. Nó chỉ trích nhận thức luận là sự phản ánh cứng nhắc, là cơ giới luận, xã hội học dung tục, làm cho tính sáng tạo chủ thể của con người bị hạn chế cực độ. Việc đề xuất tính chủ thể trong văn học đối với lý luận văn học nhận thức luận đương đại, trong một chừng mực đáng kể, đã nhằm trúng điểm yếu. Nó cho thấy đã xuất hiện một quan điểm tư tưởng văn nghệ chủ thể tính đối lập với nhận thức luận văn nghệ học; cơ sở triết học của lý luận văn học đã chuyển từ khách thể trước đây sang chủ thể, đồng thời từ đó kích thích đáng kể sức tưởng tượng và tính độc đáo của chủ thể sáng tạo, làm thay đổi phương thức sáng tác trước đây vốn đơn thuần miêu tả hiện thực; làm tốt việc chuẩn bị dư luận để một lần nữa du nhập nguyên tắc sáng tác của chủ nghĩa hiện đại vào sáng tác văn học của Trung Quốc. Việc mở rộng tính chủ thể không chỉ làm cho sức tưởng tượng trong sáng tác của nhà văn được giải phóng đáng kể, trong một thời kỳ đã làm cho "tiểu thuyết thực nghiệm" xuất hiện ồ ạt trên một số tạp chí - tuy độc giả của loại tiểu thuyết này không nhiều, mà còn cổ vũ các nhà văn sáng tác theo nguyên tắc hiện thực chủ nghĩa mở rộng biên độ tự do trong sáng tác của mình, làm phong phú tư tưởng nghệ thuật và thủ pháp của mình, khiến nhà văn nâng tầm nhận thức về mình và về con người, từ đó trên chỉnh thể đã thúc đẩy những thay đổi tích cực trong diện mạo văn học nước nhà; sự nhận thức về bản chất văn học của mọi người đã sâu sắc hơn. Thế nhưng, những sơ hở về mặt lý luận của các nhà đề xướng tính chủ thể trong văn học lại cực nhiều. Chủ thể con người mà lý luận này nói tới trên thực tế không phải chủ thể con người của xã hội, của thực tiễn, mà là một loại hiện tượng tinh thần; tính chủ thể được nhắc tới đó, là loại tính chủ thể của cái tôi tâm linh, thoát ly khỏi lịch sử xã hội, thiên nhiên tự túc, có tính năng động vô hạn, đó là loại tinh thần phổ biến, tự tại. Coi tính chủ thể trong văn học là loại tính năng động thoát ly thực tiễn, điều này đã làm cho vấn đề trở thành hiện tượng tinh thần thuần túy. Đồng thời, khi giải thích mối quan hệ qua lại giữa chủ thể và khách thể, lý luận này cũng không đả động đến thành quả đã có của triết học, tâm lý học, thậm chí của cả nhận thức luận, không nhìn thấy quá trình giao lưu song hướng, ảnh hưởng lẫn nhau, thuận ứng với nhau của chủ thể và khách thể dưới sự cải đạo của chủ thể trong sáng tác; khách thể ở đó đã bị chủ thể tinh thần toàn năng che lấp hết. Việc đánh giá đối với nhận thức luận cũng vẫn dựa vào bầu nhiệt huyết phủ định, mà không có sự phân tích thêm đối với nguyên lý của nhận thức luận và khuynh hướng giản đơn hóa, dung tục hóa trong nhận thức luận văn nghệ học; áp dụng biện pháp dồn cả cục, đánh đồng như nhau, tùy ý hạ thấp. Hệ quả là, về mặt nhận thức, lấy tư duy tuyến tính mới thay cho tư duy tuyến tính cũ từng bị nó phê phán, vậy cũng có nghĩa là về mặt phương pháp luận, lấy phương pháp "không phải A tức là B" mới thay cho phương pháp "không phải A tức là B" từng bị nó phê phán, dẫn đến việc lưu hành loại xã hội học dung tục mới (phủ định một cách giản đơn kiểu xã hội học) trong lý luận văn học.
Tư tưởng tính chủ thể của văn học làm nảy sinh cấu tứ "văn nghệ học về tính chủ thể" ở những người ủng hộ. Theo tôi, việc thảo luận và nghiên cứu vấn đề tính chủ thể trong tư tưởng văn nghệ không chỉ có thể mà còn cần thiết, song có tồn tại "văn nghệ học về tính chủ thể " hay không thì thật khó nói, bởi lẽ các vấn đề trong lý luận văn học lại không hoàn toàn dựa vào tính chủ thể mới được làm sáng tỏ. Về việc mở rộng "văn nghệ học tính chủ thể", nếu xét tổng thể, cơ sở triết học thực sự của nó là tư tưởng nhân loại học bản thể luận. Những người ủng hộ loại tư tưởng văn nghệ nhân loại học bản thể luận này cho rằng văn học là một loại hoạt động tự do; các phương diện chủ thể, hoạt động và tự do đã chỉ rõ ý nghĩa căn bản của văn học đối với sự sinh tồn; họ cho rằng văn học ở vào vị trí cao nhất của tự do nhân loại, là loại hoạt động để nhân loại đạt tới tự do - đạt tới tự do một cách tự do -, là hoạt động biểu hiện tự do một cách tự do. Chỉ có văn học mới coi tự do là nhu cầu, là đối tượng và mục đích, do đó tự do là chủ đề cao nhất và nội dung duy nhất của văn học. Lại có người cho rằng nghiên cứu văn học có thể nhảy qua nhận thức luận, nhảy qua tầng ý thức thẩm mỹ, thông qua nhân loại học bản thể luận mới có thể giải quyết được, v.v. Tư tưởng trình bày trên đây phải chăng chính là nội hàm của quan niệm văn nghệ nhân loại học bản thể luận trong lý luận văn học, điều này quả khiến người ta hoài nghi; trong phương diện này, nhận thức của các luận giả khác có thể không thật nhất trí. Song việc dùng tư tưởng nhân loại học bản thể luận để cải chính sự thiên lệch của lý luận văn học nhận thức luận là rất cần thiết. Chủ trương văn học thể hiện ý nghĩa sinh tồn của nhân loại - điều này phù hợp với trạng thái sinh tồn tinh thần của nhân loại ngày nay - cũng là một loại biểu hiện của ý thức hiện đại; ý nghĩa sinh tồn của nhân loại trên thực tế chính là ý nghĩa sinh tồn của người hiện đại, về mặt lý luận, nó có chỗ tương thông với chủ nghĩa hiện sinh. Hơn 100 năm qua, khi con người phát hiện ra mình liên tục bị sa vào những tai nạn do chính mình gây ra, khoa học kỹ thuật phát triển lại liên tục thu hẹp không gian sinh tồn của anh ta; đủ loại nguy khốn của phương diện này rõ ràng đã khiến anh ta nảy sinh sự hoảng loạn, lo âu, cảm thấy sự cô độc không nơi nương tựa của sự sống và nỗi kinh hoàng, hoài nghi lo lắng về cái chết. Để chống lại ảnh hưởng tiêu cực mà lý tính công cụ và khoa học kỹ thuật vạn năng gây ra cho con người, một triết gia đã đề xuất: con người [chỉ] gửi thân nơi trái đất bao la đầy ý thơ; về bản chất, con người và vạn vật tự nhiên cùng tồn tại. Song đó chỉ là một loại lý tưởng; thực sự muốn làm được điều đó quả chẳng dễ dàng. Vị triết gia đề xuất cách nói này từng đứng về phía phát xít Đức, vậy ông ta đã sinh tồn hay gửi thân nơi trái đất bao la? Giả dụ là gửi thân, phải chăng là sự gửi thân đầy ý thơ?!
Trần Minh Sơn dịch
từ bản tiếng Trung: Tân lý tinh thần văn học luận,
NXB Đại học Bắc Kinh, 1999.
(Còn nữa)
Phần 1, 2, 3, 4
---
Chú thích:
[12] Chính danh cho văn nghệ – phản bác thuyết "văn nghệ là công cụ đấu tranh giai cấp", Văn học Thượng Hải, số 4/1979. (TG)
[13] Xem: Tiền Trung Văn. Nguyên lý văn học – phát triển luận. Nxb Văn hiến KHXH, 1989. (TG)
[14] Xem: Trần Dũng. Về sáng tác của Trần Trung Thực, Văn học bình luận, số 3/1998. (TG)