Coco Lee 48 tuổi, qua đời ngày 5/7 do chết não sau khi được cho là cố gắng tự tử. Hai chị gái của cô là Carol và Nancy, tiết lộ nữ ca sĩ bị trầm cảm trong những năm gần đây.
Là một cái tên quen thuộc ở Trung Quốc đại lục, nữ ca sĩ người Mỹ gốc Hong Kong được nhớ đến với nguồn năng lượng tích cực, nụ cười tươi sáng trên sân khấu và trước công chúng. Giữa những lời chia buồn và tưởng niệm, người ta tập trung vào vấn đề sức khỏe tâm thần mà gia đình Coco Lee đã đề cập. Các hashtag như "trầm cảm ở gần bạn đến mức nào", "các triệu chứng trầm cảm" trở thành xu hướng trên nhiều nền tảng trực tuyến. Các hãng thông tấn nhà nước như CCTV, People's Daily và China Daily xuất bản nhiều nội dung giúp mọi người nâng cao nhận thức về trầm cảm và bệnh tâm lý.
Tiến sĩ Jia Miao, Đại học New York Thượng Hải, cho rằng đây là một vấn đề y tế cấp bách. Trầm cảm, hay bất kỳ bệnh tâm lý nào, từ lâu được coi là vấn đề nhạy cảm của xã hội Trung Quốc. Trong tiếng Trung, từ "jingshen bing" chỉ bệnh tâm thần, đôi khi được dùng như thuật ngữ xúc phạm. Người có vấn đề sức khỏe tâm thần bị coi là mất trí.
Theo Ke Ren, người sáng lập Viện Nghiên cứu Trầm cảm, phần lớn bệnh nhân Trung Quốc không được chẩn đoán đúng mức độ.
"Chúng ta thường nghe thấy những câu chuyện như 'học sinh nào đó bị điểm kém ở trường nên đã nhảy khỏi tòa nhà'. Nhưng chúng ta chưa từng thắc mắc 'thực sự chuyện gì đã xảy ra', cũng không có cơ hội đặt câu hỏi họ cần giúp đỡ gì", Ke Ren nói.
Trong 10 đến 15 năm qua, nền kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh chóng, áp lực đối với mỗi cá nhân tăng lên. Tiến sĩ Miao cho biết người dân Trung Quốc dường như kiệt sức bởi các cuộc cạnh tranh tại trường học, nơi làm việc khốc liệt hơn. Từ đó, các vấn đề sức khỏe tâm thần thu hút được sự chú ý của xã hội.
"Nhiều người nhận thấy mình gặp vấn đề, sẵn sàng chia sẻ trải nghiệm của mình với gia đình và bạn bè, đồng thời tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia. Điều đó khiến thái độ của xã hội đối với sức khỏe tâm thần thay đổi", bà nói thêm.
Theo Khảo sát Sức khỏe Tâm thần Trung Quốc công bố năm 2019, cứ 7 người thì một người mắc ít nhất một loại bệnh tâm thần trong đời. Trầm cảm đến với cả những người thành công nhất. Họ bắt đầu chia sẻ trải nghiệm cá nhân một cách thẳng thắn.
Trong một bài báo xuất bản năm 2015, Ren Zhengfei, người sáng lập công ty khổng lồ công nghệ Huawei, tiết lộ ông từng bị trầm cảm và rối loạn lo âu nặng. Zhang Chaoyang, cha đẻ công ty công nghệ Sohu, cũng nhiều lần cởi mở về trải nghiệm quá khứ của bản thân với căn bệnh này.
"Các vấn đề tâm thần xảy ra trong đại dịch. Mọi người bị giảm thu nhập, khó tìm việc làm. Nỗi lo lắng luôn ở đó, thậm chí gia tăng", tiến sĩ Miao nói. Đầu năm nay, vụ việc 4 thanh niên tự tử tại một điểm du lịch nổi tiếng ở tỉnh Hồ Nam làm dấy lên cuộc tranh luận gay gắt về sức khỏe tâm thần và áp lực xã hội tại đất nước tỷ dân.
Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực giải quyết vấn đề này. Theo tiến sĩ Miao, các trường đại học và trung học hiện nay bắt buộc có chuyên gia tư vấn sức khỏe tâm thần. Ở những thành phố lớn, các đơn vị cộng đồng chỉ định chuyên viên chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người cao tuổi.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề cấp bách nhất là không đủ chuyên gia có trình độ. Tính đến cuối năm 2021, Trung Quốc có 64.000 bác sĩ tâm thần, theo hãng thông tấn nhà nước China Youth Daily.
"So với tốc độ nhận thức xã hội nhanh chóng, đất nước còn cả chặng đường dài trong công cuộc chẩn đoán và điều trị bệnh tâm lý", tiến sĩ Miao nói thêm.
Thục Linh (Theo BBC)