Thiếu tướng Trần Văn Vệ. Ảnh: Việt Dũng. |
- Thưa thiếu tướng, ngày 1/4 tới Hà Nội và 14 tỉnh thành khác triển khai cấp chứng minh thư mới 12 số, vậy chứng minh thư cũ với 9 số sẽ giải quyết như thế nào?
- Năm nay sẽ làm 24 triệu chứng minh tại Hà Nội, 14 tỉnh và dự kiến năm 2017 sẽ xong. Chứng minh mới cấp cho người đến tuổi và những ai có nhu cầu cấp lại. Hiện trong hệ thống quản lý tồn tại song song hai chứng minh loại 9 và 12 số, đều có giá trị như nhau. Tuy nhiên với công dân thì mỗi người chỉ được dùng một loại.
- Hiện vẫn còn những vướng mắc giữa chứng minh thư 9 và 12 số khi công dân đến giao dịch tại ngân hàng, các thủ tục hành chính khác. Bộ Công an đã làm gì để khắc phục tình trạng này?
- Chúng tôi đã có hai thông báo gửi các ngân hàng và Bộ Tài nguyên Môi trường về việc chứng minh thư mới có 12 chữ số. Ngân hàng và các ngành khác không thể "đẻ" ra thủ tục xác nhận để gây phiền hà cho dân. Chứng minh do Bộ Công an cấp và công an chịu trách nhiệm đảm bảo về giá trị đích thực của nó.
Hiện nay một số ngân hàng, ngành hàng không, tài nguyên môi trường đều đồng ý giao dịch với chứng minh thư mới. Tuy nhiên, cá biệt vẫn còn một số ngân hàng yêu cầu phải xác nhận hai số là một.
Với 9 số chứng minh thư đã ghi trong hộ khẩu, tốt nhất công dân ra trình báo với cảnh sát khu vực để điều chỉnh trong sổ rồi đóng dấu chèn lên số đó hoặc chỉ cần đưa chứng minh thư mới ra.
- Vậy chứng minh thư mới có ưu điểm gì thưa ông?
- Chứng minh mới không làm giả được và sẽ không có chuyện một người có 2-3 số chứng minh. Ví dụ, anh từ TP HCM ra Hà Nội làm chứng minh đến khi anh đi nơi khác thì trên hệ thống cơ sở dữ liệu vẫn lưu giữ số đó. Anh chỉ có một số chứng minh, không thể mượn tên người khác.
Việc cấp lại chứng minh không nhất thiết phải đến cơ quan công an làm, bởi cơ sở dữ liệu trên tàng thư đã có hết rồi. Ví dụ, anh ở TP HCM khi mất chứng minh thư có thể gọi điện về quê để làm giúp, trong khi công nghệ cũ anh phải đến lăn vân tay.
Tháng 10 tới, Bộ Công an sẽ trình số định danh cá nhân. Quan trọng nhất là không tràn số, trùng, lẫn và phân biệt giới tính, ngày tháng năm sinh. Theo trình tự số định danh sẽ là: thế kỷ, nơi sinh, nam nữ, tuổi.
- Theo đề xuất của Bộ Công an, trẻ em từ khi sinh ra đã có mã số định danh. Tuy nhiên đến 14 tuổi, trẻ mới được cấp chứng minh thư. Vậy dữ liệu cá nhân của họ suốt 14 năm qua dùng để làm gì?
- Khi trẻ sinh ra, sẽ được cơ quan chức năng ghi nhận ngày, tháng năm sinh, nơi sinh, họ tên bố, mẹ... Chỉ thiếu trường thông tin là đặc điểm vân tay, nhận dạng và sẽ được bổ sung khi làm chứng minh thư. Tất cả những dữ liệu này sẽ được lưu trong tàng thư nhằm đảm bảo bí mật đời tư của công dân, Công an chịu trách nhiệm quản lý.
Chúng tôi mới trình dự án Luật Căn cước công dân để cụ thể hoá giá trị pháp lý của chứng minh thư. Tại nhiều cuộc họp của Uỷ ban thường vụ quốc hội, có ý kiến nên đổi thành thẻ căn cước công dân. Đặc biệt là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ Công an, Bộ Tư pháp tính lại việc sinh ra là cấp căn cước.
Bộ Công an đã trình Chính phủ hai lộ trình. Một là khi trẻ 6 tuổi thì thêm ảnh vào cơ sở dữ liệu và đến khi đủ tuổi làm chứng minh sẽ thêm vân tay, nhận dạng. Bởi ở tuổi này, ngoại hình tương đối ổn định, đặc biệt là vân tay. Do khuôn mặt có nhiều thay đổi theo thời gian nên Bộ Công an quy định người dưới 55 tuổi thì sau 15 năm phải đổi chứng minh thư. Người 55 tuổi trở lên thì không cần.
Theo đề án quản lý dân cư mà Bộ Công an đã trình Chính phủ, từ nay đến 1/1/2016, Bộ Công an chịu trách nhiệm dữ liệu về từng trẻ sơ sinh, sau 2016 sẽ do Bộ Tư pháp đảm nhận. Khi cha mẹ đến làm khai sinh thì Bộ này sẽ áp dụng số định danh đó cho trẻ, tuy nhiên mã số này do Bộ Công an trực tiếp quản lý.
Nếu theo như kết luận của Chủ tịch Quốc hội thì không tính 2016 nữa, khi trẻ sinh ra sẽ do Bộ Công an làm, sẽ không phải có giấy khai sinh nghĩa là khi trẻ sinh ra Bộ sẽ cấp luôn cho một mã số đó và sẽ sử dụng đến suốt đời.
Việt Dũng