Văn Cao bắt đầu sự nghiệp nghệ thuật từ sớm với việc sáng tác nhạc, khi mới 16 tuổi. Ở độ tuổi thiếu niên, khó ai tin ông có thể viết ca khúc Buồn tàn thu (1939), với ca từ trĩu nặng tâm tư. Sau đó, hàng loạt nhạc phẩm mang âm hưởng trữ tình của ông được ra đời, như Suối mơ, Trương Chi, Thiên thai.
Dù học nhạc phương Tây, Văn Cao ít chịu ảnh hưởng của âm nhạc lãng mạn Pháp mà hướng giai điệu gần với nhạc truyền thống. Các bài hát đầu tay của ông lấy chất liệu từ chèo, quan họ, xẩm, ca trù. Nhạc sĩ Phạm Duy từng nhận định về hình thức, các nhạc phẩm của Văn Cao không thua bất kỳ tuyệt phẩm nào của nhạc cổ điển Tây phương.
Đời âm nhạc của Văn Cao gắn liền những dấu mốc lịch sử của dân tộc và chặng đường của bản thân. Cuối năm 1944, ông tham gia cách mạng. Từ đó, các sáng tác của ông mang giọng điệu mới, hào sảng, thúc đẩy tinh thần chiến đấu. Đại diện tiêu biểu của nhạc Văn Cao thời kỳ này là Tiến quân ca - được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 13/8/1945.
Ngày 8/11, Hội thảo khoa học Thế giới nhạc, họa, thơ của Văn Cao do báo Nhân Dân và Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với Hội Nhà văn, Hội Nhạc sĩ và Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức, kỷ niệm 100 năm ngày sinh Văn Cao. Hơn 100 đại biểu tham dự với 24 bản tham luận.
Giáo sư Phong Lê khẳng định chỉ riêng Tiến quân ca cũng đủ làm nên tên tuổi, sự nghiệp của Văn Cao. Thời kỳ này, ông cũng viết những ca khúc trữ tình, chứa đựng tình yêu nước, yêu đời, như: Làng tôi, Ngày mùa. Sau năm 1954, Văn Cao ít có sáng tác mới. Đến mùa xuân năm 1975, ông quay về chất trữ tình vốn có và viết Mùa xuân đầu tiên.
Nếu thơ của Văn Cao đầy hình ảnh, tiết tấu và âm điệu thì nhạc của ông lại giàu chất văn thơ và tính hội họa. "Thời gian không thể làm mất đi giá trị đích thực của những tác phẩm hài hòa giữa lời ca đầy hình ảnh và giai điệu giàu cảm xúc của Văn Cao", nhà lý luận, phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu nói.
Trong tham luận Góp phần cảm nhận về nhạc, thơ, họa của một tài năng vô thường, Tiến sĩ Phan Đăng Sơn khẳng định về mặt học thuật, Văn Cao là một trong số người góp phần quan trọng tạo lập và định hình nền tân nhạc Việt Nam.
Thơ Văn Cao "ít nhưng chất", là đúc kết của tác giả Hoài Nam trong tham luận Văn Cao, một tiếng thơ ''vang vang cả lòng cả đáy". Ông chỉ có gần 60 bài, nói về cuộc đời, con người xung quanh ông, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước.
Văn Cao sáng tác ở giai đoạn cuối của phong trào Thơ mới, với những bài Li khách, Linh cầm tiến, Ai về Kinh Bắc, Một đêm đàn lạnh trên sông Huế. Giai đoạn cách mạng, hai bài thơ Chiếc xe xác qua phương Dạ Lạc cuối năm 1945 và Ngoại ô mùa đông năm 1946 minh chứng cho sự chuyển đổi trong thơ Văn Cao, khi ông không còn tìm kiếm cái đẹp trong nỗi buồn, cô liêu.
Ông có những bài thơ viết riêng về Hà Nội, Huế, đều được người trong giới đánh giá cao. Giai đoạn cuối năm 1956, đầu năm 1957, ông đã có nỗ lực trong việc tiếp tục hiện đại hóa thi ca nước nhà. Dù sống trong hoàn cảnh nào, Văn Cao vẫn gắn mình với quê hương đất nước, chung nhịp sống của nhân dân.
Sự nghiệp hội họa của ông chỉ có vài tác phẩm sơn dầu nhưng được đánh giá ngang những họa sĩ chuyên nghiệp. Từ năm 1944, các bức đầu tay ông vẽ như Cuộc khiêu vũ của những người tự tử, Thái Hà ấp đêm mưa khiến giới mỹ thuật bất ngờ về bút pháp và màu sắc.
Họa sĩ Tạ Tỵ từng nhận định: "Vào những năm 1960, Văn Cao đã mở ra hướng thẩm mỹ mới cho minh họa và đồ họa". Còn Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cho rằng tranh của Văn Cao luôn "trẻ" so với nhiều họa sĩ cùng thời, bởi ông không thường xuyên sáng tác và quan tâm nhiều đến hội họa thuần túy. Ông chủ yếu vẽ tranh minh họa cho các tờ báo, bìa sách để kiếm sống, với khoảng 300 tác phẩm. Nhà sưu tầm Nguyễn Bình Phương từng nói "chưa ai công nhận Văn Cao là họa sĩ, nhưng ông là người xây dựng nên lĩnh vực minh họa sách ở Việt Nam".
Tại hội thảo, ông Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh: "Văn Cao được nhiều người khẳng định là một hiện tượng hết sức đặc biệt và hiếm có trong lịch sử văn nghệ Việt Nam hiện đại". Tổng Biên tập báo Nhân Dân - Lê Quốc Minh khẳng định: "Thời gian càng lùi xa, tầm vóc nghệ thuật của Văn Cao càng lớn và lộng lẫy".
Phương Linh