Trong hai tuần trở lại đây, Công ty Quản lý và Khai thác Tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) mua thành công hơn 2.550 tỷ đồng nợ xấu từ 4 ngân hàng. Theo đánh giá của ông Lê Xuân Nghĩa - thành viên Ban cố vấn của Chính phủ tại hội thảo về tái cấu trúc hệ thống ngân hàng sáng 9/10, VAMC có thể dọn dẹp được 50.000 - 60.000 tỷ trong năm 2013, thay vì chỉ được 30.000 - 35.000 tỷ như dự kiến. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, theo ông Nghĩa còn tùy thuộc nhiều vào kết quả kiềm chế lạm phát bởi khi mua lại nợ, VAMC sẽ phát hành trái phiếu đặc biệt, giúp các ngân hàng có thể tái cấp vốn khi cần.
Theo ông Nghĩa, khi lên phương án xử lý nợ, điều Chính phủ lo ngại nhất là thị trường nợ xấu không có nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Ngược lại, ngay khi VAMC đi vào hoạt động, đã có rất nhiều lời đề nghị của khối ngoại. "Thậm chí có những tập đoàn tài chính lớn như Black Stone, chưa bao giờ xuất hiện ở Việt Nam vì không có hợp đồng nào đủ lớn để họ tham gia, cũng muốn mua nợ xấu", ông Nghĩa cho biết.
Theo vị chuyên gia từng là Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia này, VAMC không gặp khó khăn trong tìm kiếm "hàng" (nợ xấu) để mua cũng như tìm "khách" (nhà đầu tư) để bán lại. Theo ông Lê Xuân Nghĩa, VAMC chỉ có 50 người, nguồn lực, thể chế có hạn trong khi rất nhiều nhà đầu tư ngoại muốn mua những hợp đồng lớn thay vì lẻ tẻ vài món nợ khiến họ chưa thể thu xếp kịp.
Cũng tại cuộc hội thảo này, ông Simon Andrews - Giám đốc IFC khu vực Việt Nam, Campuchia, Lào và Thái Lan - chia sẻ những lý do khiến khối ngoại quan tâm tới thị trường này. "Đây là những khoản nợ thực sự hấp dẫn. Dù không thể thu hồi được toàn bộ khoản nợ nhưng chắc chắn sẽ có một phần lợi nhuận nhất định trong tương lai bởi thị trường nợ xấu luôn có tính thanh khoản cao", ông Simon nói. Theo thống kê của IFC, hiện có khoảng 2-3 tỷ USD nợ xấu đang tồn đọng trong các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, một lần nữa vị lãnh đạo của IFC cho rằng pháp lý là điều quan trọng nhất với nhà đầu tư khi mua nợ xấu. "Thách thức lớn nhất với các nhà đầu tư là không thể sở hữu được đất đai ở Việt Nam. Họ không thể mua được một khoản nợ mà không có quyền với tài sản thế chấp đi kèm nó. Ví dụ nếu tôi muốn mua một khoản nợ xấu, hiện chưa rõ quyền đi kèm với khoản vay đó của tôi như thế nào, mức độ chắc chắn của pháp lý là điều quan trọng nhất", ông Simon Andrews nêu.
Chia sẻ thêm về khái niệm "sở hữu" trong trường hợp này, ông Lê Xuân Nghĩa cho biết 16 đoàn đã đến Việt Nam đàm phán mua nợ xấu, trong đó mỗi đoàn gồm nhiều tập đoàn, tổ chức khác nhau. Nhưng họ cho biết không quan tâm đến việc sở hữu tài sản, đất đai mà chỉ cần có một thủ tục pháp lý thuận tiện để mua nhanh và bán nhanh các tài sản này. "Như vậy, chuyện sang tên tài sản không nằm trong thẩm quyền của VAMC mà là của các địa phương. Tuy nhiên, việc sang tên này có nơi mất 4-5 năm chưa xong. Có thể nói đây là rủi ro rất lớn và dễ làm nản lòng nhà đầu tư", ông Nghĩa lo ngại.
Bà Phan Thị Thu Hà - PGS. Tiến sĩ Viện ngân hàng Tài chính - Đại học Kinh tế Quốc dân - cho rằng nếu có khung pháp lý để nhà đầu tư nước ngoài mua lại nợ xấu thì bản thân các ngân hàng thương mại cũng có thể bán được mà không cần qua VAMC.
Một thành viên của ban cố vấn cho Chính phủ tiết lộ, trước Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị Chính phủ thành lập công ty AMC (quản lý tài sản) riêng tại mỗi ngân hàng để tự xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, với những động cơ lập AMC khác nhau, có nhà băng dọn dẹp "cục máu đông" nhưng ngược lại, có ngân hàng lại dùng nó để chuyển một phần vốn từ ngân hàng mẹ sang, lách "trần" tăng trưởng tín dụng...
Về phần mình, VAMC cho biết, trong tuần tới sẽ tiến hành các hợp đồng mua nợ xấu, dự kiến khoảng 1.000 - 2.000 tỷ với các ngân hàng tiếp theo.
Thanh Thanh Lan